Những con số nào đáng chú ý tuần từ 8-14/8/2016?
23,5 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế, 6 tỷ USD từ M&A bất động sản, 7 nỗi sợ hãi của khách du lịch, 2,948 tỷ USD "đổ" vào Việt Nam qua góp vốn, mua cổ phần… trở thành những con số đáng chú ý trong tuần vừa qua (8-14/8/2016).
7 nỗi sợ gồm: Sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ ra để lý giải tại sao khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nhưng "một đi không trở lại".
23,5 nghìn tỷ đồng là tiền nợ thuế mà cơ quan Thuế đã đôn đốc, cưỡng chế thu được (từ năm 2015 chuyển sang) trong 7 tháng đầu năm 2016. Bên cạnh đó, tính đến tháng 7/2016, cơ quan Thuế cũng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 32,5 nghìn doanh nghiệp, qua đó xử lý tăng thu 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2015.
84,7% tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thị trường UPCOM đặt vào cổ phiếu thuộc chỉ số UPCoM Premium. Cụ thể, từ ngày 24/06 đến ngày 22/07/2016, nhà đầu tư ngoại tham gia giao dịch 60 mã trên thị trường UPCOM, trong đó có 30 mã cổ phiếu thuộc chỉ số UPCoM Premium với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 57,9 tỷ đồng.
2,948 tỷ USD là số tiền mà nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tại 3.141 doanh nghiệp Việt Nam tính chung từ ngày 1/7/2015 đến nay. Trong 7 tháng năm 2016, đã có 65 quốc gia, vùng lãnh thổ có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần.
1.080,5 tỷ đồng là tổng số tiền mà các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường bảo hiểm cho 430 doanh nghiệp bị thiệt hại sau sự kiện một số người đã có hành vi gây rối, đập phá tài sản tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh khi Trung Quốc ngang nhiên đặt trái phép giàn khoan HD 981 trên vùng biển của Việt Nam.
6 tỷ USD là số tiền đầu tư kỳ vọng về giá trị M&A tại Việt Nam trong cả năm 2016. Trong nửa đầu năm 2016, thị trường đã chứng kiến khá nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản diễn ra thành công, với bên mua là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hơn 171 nghìn tỷ đồng là số tiền mà lĩnh vực bảo hiểm đã góp phần đầu tư trở lại nền kinh tế. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 32.868 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 138.303 tỷ đồng.
15% là mức tăng của nhu cầu vàng toàn cầu trong quý II/2015.Cụ thể, tổng nhu cầu vàng toàn cầu đạt tới 1.050,2 tấn trong quý II/2016, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2015; qua đó nâng tổng nhu cầu vàng toàn cầu trong nửa đầu năm lên 2.335 tấn – mức cao thứ hai trong lịch sử.