Những điểm mới trong Luật Phá sản 2014


(Tài chính) Theo kết luận vừa được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong Luật Phá sản 2014, quyền của chủ nợ sẽ được bảo đảm tối đa, hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015.

Trong Luật Phá sản 2014, quyền của chủ nợ sẽ được bảo đảm tối đa. Nguồn: internet
Trong Luật Phá sản 2014, quyền của chủ nợ sẽ được bảo đảm tối đa. Nguồn: internet

Bà Bùi Thị Dung Huyền - Trưởng phòng nghiên cứu pháp luật dân sự, thương mại (Viện Khoa học xét xử, Tòa án nhân dân tối cao) cho biết, so với Luật Phá sản 2004 thì Luật Phá sản 2014 có khá nhiều điểm mới, đây sẽ là tiền đề thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đang trong tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội để rút khỏi thị trường một cách “trật tự”, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các nhà đầu tư.

Đầu tiêu phải kể đến là tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Nếu như Luật Phá sản năm 2004 chỉ quy định chung chung “doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu coi là lâm vào tình trạng phá sản”, thì Luật Phá sản 2014 đã có những thay đổi theo hướng rõ ràng và cụ thể hơn. Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Như vậy, Luật Phá sản 2014 không còn dùng khái niệm “lâm vào tình trạng phá sản”, hay “không có khả năng thanh toán được” như trước mà dùng khái niệm “mất khả năng thanh toán” và “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ” cho thấy, Luật Phá sản 2014 không yêu cầu việc xác định hay phải có căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán bằng bảng cân đối tài chính... Như vậy, chỉ cần xác định là có khoản nợ và đến thời điểm tòa án quyết định việc mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn không thanh toán là tòa án có thể ra quyết định mở thủ tục phá sản.

Việc bỏ từ “các” trong cụm từ “các khoản nợ” để thể hiện rõ tiêu chí mất khả năng thanh toán không phụ thuộc vào số lượng khoản nợ mà chỉ cần một khoản nợ.

Bên cạnh đó, Luật Phá sản 2014 cũng không quy định giới hạn các khoản nợ. Điều này có thể hiểu là bất kỳ khoản nợ nào dù là nợ lương, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, khoản nợ phát sinh từ hợp đồng... thì chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thời hạn phải thanh toán là 03 tháng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa có khả năng thanh toán có thể tìm các phương án khác để thanh toán nợ đến hạn trước khi bị coi là lâm vào tình trạng phá sản. Quy định này phù hợp với kinh nghiệm lập pháp của một số nước khi cho phép con nợ có thời hạn trễ hạn thanh toán sau khi chủ nợ có yêu cầu đòi nợ, đồng thời khắc phục tình trạng lạm dụng quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ phía các chủ nợ như quy định cũ.

Các chuyên gia cho rằng, với những quy định này, quyền của chủ nợ được bảo đảm tối ta. Bởi để yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ không cần phải chứng minh đã có yêu cầu thanh toán (như văn bản đòi nợ, văn bản khất nợ...). Đối với con nợ, nếu không trả nợ đúng hạn, con nợ không chỉ chịu nguy cơ bị khởi kiện dân sự mà còn có thể bị yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, Luật Phá sản 2014 vẫn dành một khoảng thời gian 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn để doanh nghiệp, hợp tác xã tự giải quyết những khó khăn về tài chính tạm thời, qua đó tạo thêm cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán nợ và giảm áp lực “đe dọa” nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ phía chủ nợ.

Cùng với việc làm rõ những tiêu chí trên, Luật Phá sản 2014 còn quy định về hoạt động của quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để thay thế quy định cũ. Theo đó, quản lý, thanh lý tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thực hiện nhiệm vụ: quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp không có người đại diện theo pháp luật; báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; đề nghị thẩm phán tiến hành một số công việc cần thiết. Quy định này vừa tạo ra sự khách quan, chuyên nghiệp trong quá trình quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, vừa đảm bảo thực hiện đúng trình tự quy định của pháp luật.

Một điểm mới nữa của Luật Phá sản 2014 là thủ tục thương lượng trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, các bên thương lượng được với nhau và người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đã rút đơn. Chính vì thế, để có căn cứ pháp lý cho việc thương lượng này, Luật Phá sản 2014 bổ sung quy định về phương thức thương lượng trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ nợ. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn. Trong trường hợp các bên không thống nhất được thương lượng thì tòa án sẽ tiến hành thụ lý giải quyết theo quy định.

Về hội nghị chủ nợ cũng có nhiều điểm mới, theo quy định của Luật Phá sản 2014, điều kiện hợp lệ của hội nghị chủ nợ chỉ căn cứ trên số nợ. Theo đó, số chủ nợ tham gia hội nghị chủ nợ không phải là điều kiện để coi hội nghị chủ nợ hợp lệ. Điều này có nghĩa là hội nghị chủ nợ có thể hợp lệ khi chỉ cần một chủ nợ tham gia mà đại diện cho ít nhất 51% số nợ không có bảo đảm. Mặt khác, việc tham gia có thể là không trực tiếp. Theo hướng này, điều kiện hợp lệ của hội nghị chủ nợ thông qua phương án thu hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã cũng quy định chỉ theo số nợ. Thẩm quyền của Tòa án cũng được quy định theo hướng tăng thẩm quyền cho tòa án nhân dân cấp huyện. Theo đó, ngoại trừ những vụ việc phá sản có tình tiết đặc biệt (có yếu tố nước ngoài, có địa điểm ở nhiều quận huyện khác nhau, hoặc tòa cấp tỉnh lấy lên giải quyết) thì còn lại, tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó.

Ngoài ra, việc xác định tiền lãi đối với các khoản nợ cũng đã được đưa vào quy định. Do Luật Phá sản 2004 chưa có quy định cụ thể về việc xác định khoản lãi đối với các khoản nợ đến hạn và chưa đến hạn, đặc biệt là các khoản nợ mới phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản đã dẫn đến tình trạng áp dụng không thống nhất về việc tính lãi đối với các khoản nợ, nên không bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản. Để khắc phục tình trạng này, Luật Phá sản 2014 đã bổ sung quy định về xác định tiền lãi đối với khoản nợ, theo đó, kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, các khoản nợ vẫn được tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận nhưng được tạm dừng việc trả lãi. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định của Điều 86 Luật này, đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 95 của Luật này, thì việc tạm dừng trả lãi chấm dứt, các bên tiếp tục thực hiện trả lãi theo thỏa thuận; đối với các khoản nợ mới phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản đến thời điểm tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì tiền lãi của các khoản nợ đó được xác định theo thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật; kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì các khoản nợ không được tiếp tục tính lãi.

Luật Phá sản 2014 cũng bổ sung một chương gồm 8 điều (từ điều 97 - 104) để quy định về việc phá sản đối với tổ chức tín dụng, theo đó quy định cụ thể về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Bổ sung về phá sản có yếu tố nước ngoài như người tham gia thủ tục phá sản là người nước ngoài; ủy thác tư pháp của tòa án nhân dân Việt Nam đối với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; hay thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định phá sản của tòa án nước ngoài... Đây là những điểm mới trong Luật Phá sản 2014 được cho là sẽ có nhiều tác động tích cực góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, làm lành mạnh hóa nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Đức Duy - Theo Thông tin Tài chính số 20 kỳ 2 tháng 10/2014