Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội trong 8 tháng năm 2023
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 vừa diễn ra, các đại biểu đều thống nhất đánh giá, mặc dù bối cảnh quốc tế, trong nước gặp rất khó khăn, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tích cực với nhiều điểm sáng nổi bật.
Trong đó, nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Đánh giá tổng thể, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, kinh tế - xã hội 8 tháng qua được thể hiện ở 10 điểm sáng nổi bật sau:
Thứ nhất, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 3,1%, thấp hơn mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%); qua đó, tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khoá, thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.
Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Thị trường chứng khoán hồi phục. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp lũy kế từ đầu năm đạt 132.000 tỷ đồng, trong đó trái phiếu riêng lẻ là 115.000 tỷ đồng.
Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán trong điều kiện phải thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn khoảng 200.000 tỷ đồng; đến hết tháng 8 ước tính là 132.000 tỷ đồng). Nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.
Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 8, xuất khẩu tăng 7,7%, nhập khẩu tăng 5,7% so với tháng 7; xuất siêu gần 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 207,5 tỷ USD; xuất siêu gần 20,2 tỷ USD.
Thứ hai, khu vực nông nghiệp là điểm sáng và là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Năng suất lúa mùa tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng gỗ tăng 4,8%, thuỷ sản tăng 1,9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 33,21 tỷ USD, xuất siêu 6,72 tỷ USD; trong đó xuất khẩu rau quả đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng 59,3% và cao hơn cả năm 2022.
Thứ ba, khu vực công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so cùng kỳ (tháng 7 tăng 2,3%), trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 3,5%.
Đặc biệt, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành Sản xuất trong tháng 8 (do S&P Global công bố) đạt 50,5 điểm so với 48,7 điểm vào tháng 7; thể hiện lĩnh vực sản xuất được mở rộng với số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
Thứ tư, khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 tăng 0,9% so tháng 7 và tăng 7,6% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế tháng 8 đạt 1,2 triệu lượt, tăng 17,2% so tháng 7 và gấp gần 2,5 lần so cùng kỳ; tính chung 8 tháng thu hút được 7,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 5,4 lần so cùng kỳ.
Thứ năm, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt gần 297,7 nghìn tỷ đồng, đạt 42,1% kế hoạch, tăng 2,95% về tỷ lệ và tăng 85.000 tỷ đồng về số tuyệt đối.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng đạt 49,4% kế hoạch năm, tăng 23,1% so với cùng kỳ - cao hơn so với số giải ngân do thủ tục thanh toán.
Tổng vốn FDI đăng ký đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ (trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 69,5%; vốn đăng ký điều chỉnh đạt 4,54 tỷ USD, giảm 39,7% và vốn góp, mua cổ phần đạt 4,74 tỷ USD, tăng 62,8%). Tổng vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% và tăng dần qua hằng tháng.
Thứ sáu, tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng tích cực hơn. Tháng 8 có trên 14.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% về số doanh nghiệp và tăng 6,6% về vốn đăng ký so với tháng 7.
Tính chung 8 tháng có 149.400 doanh nghiệp gia nhập thị trường (gồm 103,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 45.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động), cao hơn số 124.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thứ bảy, tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; lễ khai giảng năm học mới diễn ra thành công tốt đẹp trên khắp cả nước.
Các lĩnh vực văn hoá–xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; các loại dịch bệnh được kiểm soát; đời sống người dân được cải thiện, tỉ lệ hộ có thu nhập không thay đổi và tăng lên là 94,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 82,2%.
Thứ tám, tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông, thiệt hại do thiên tai, cháy nổ giảm.
Thứ chín, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân và toàn xã hội.
Thứ mười, đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng lên.