Những đổi mới căn bản về xác định trị giá hải quan
Trong thời gian qua, vấn đề trị giá tính thuế luôn là bài toán khó đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và đối với công tác kiểm tra của cơ quan hải quan, tuy về mặt pháp lý đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật.
Để khắc phục tình trạng bất cập này, Quốc hội đã thông qua Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015.
Tiếp đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thay thế cho các văn bản (Thông tư 205/2010/TT-BTC, Thông tư 29/2014/TT-BTC, Thông tư 182/2012/TT-BTC và Quyết định số: 30/2008/QĐ-BTC và Quyết định 1102/QĐ-BTC) .
Việc kiểm tra trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) sẽ có nhiều điểm mới nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với phương thức quản lý hải quan hiện đại trong thời kỳ mới hiện nay.
Với những yêu cầu cấp thiết đó, đội ngũ chuyên gia về xác định trị giá hải quan của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã có buổi tập huấn cho cán bộ công chức làm công tác nghiệp vụ tại các Chi cục nhằm trang bị thêm cho cán bộ công chức những kỹ năng trong nghiệp vụ chuyên môn về cách xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa XNK…
Tại buổi tập huấn cán bộ công chức đã được nghe đội ngũ chuyên gia trình bày những điểm cần lưu ý trong công tác kiểm tra, tham vấn, xác định giá, cách thức xác định trước trị giá hải quan, hướng dẫn thao tác nghiệp vụ trên chương trình GTT02 và được ghe đội ngủ chuyên gia chia sẽ một số kinh nghiệm về công tác kiểm tra, tham vấn, xác định giá trong thông quan và sau thông quan.
Tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2015. Thông tư trên bãi bỏ các thông tư, quyết định sau:
Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 hướng dẫn Nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Thông tư số 29/2014/TT-BTC ngày 26/02/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010;
Quyết định số 30/2008/QĐ-BTC ngày 21/5/2008 về việc ban hành tờ khai trị giá hải quan tính thuế hàng nhập khẩu và hướng dẫn khai báo;
Thông tư số 182/2012/TT-BTC ngày 25/10/2012 sửa đổi, bổ sung khoản 1, mục I Quyết định số 30/2008/QĐ-BTC ngày 21/5/2008;
Quyết định số 1102/QĐ-BTC ngày 21/5/2008 về việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu giá nhằm các mục tiêu như: Khắc phục những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư 29, Thông tư 205; phù hợp với việc triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS;
Đồng thời, đây cũng là bước đi quan trọng để Việt Nam triển khai đầy đủ các nội dung của Hiệp định trị giá GATT (được nội luật hóa bằng Luật Hải quan 2014 và các Nghị định của Chính phủ)…
Đối với khoản điều chỉnh cộng: Chi phí vận tải và chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu nhập đầu tiên.
Việc phân bổ các chi phí này khi nhập khẩu lô hàng có nhiều loại hàng hóa khác nhau nhưng hợp đồng vận tải hoặc các chứng từ, tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa không ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa.
Trước đây quy định tại tiết 1.2.7.4 điểm 1.2.7 khoản 1 Điều 14 Thông tư số 205/2010/TT-BTC thì người khai hải quan tự phân bổ các chi phí này cho từng loại hàng hóa bằng cách sử dụng các phương pháp phân chia theo thứ tự ưu tiên như sau: Phân bổ trên cơ sở biểu giá vận tải của người vận tải hàng hóa; Phân bổ theo trọng lượng hoặc thể tích hàng hóa; Phân bổ theo tỷ lệ trị giá mua của từng loại hàng hóa trên tổng trị giá lô hàng.
Ngoài ra, Thông tư số 39/2015/TT-BTC còn quy định bổ sung Điều 16 về phân bổ các khoản điều chỉnh.
Theo đó, khoản điều chỉnh cộng hoặc điều chỉnh trừ đủ điều kiện để cộng vào hoặc trừ ra khỏi trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu. Nhưng hợp đồng mua bán hoặc các chứng từ, tài liệu liên quan đến khoản điều chỉnh cộng hoặc điều chỉnh trừ đó không ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa, thì người khai hải quan lựa chọn một trong các phương pháp phân bổ theo số lượng, trọng lượng, thể tích, trị giá hóa đơn.
Bên cạnh đó, Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong một số trường hợp đặc biệt đã bãi bỏ việc xác định trị giá tính thuế đối với phế liệu thu được trong quá trình sản xuất hàng gia công cho phía nước ngoài mà bên thuê gia công bán lại cho phía Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ kho ngoại quan.
Đồng thời, tại Điều này cũng bổ sung, điều chỉnh những quy định mới so với Điều 20 Thông tư số 205/2010/TT-BTC.
Cụ thể là việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan;
Hàng hóa nhập khẩu đã sử dụng tại Việt Nam, có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế;
Hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc không có hóa đơn thương mại.