Những nhân tố tác động tới lợi thế so sánh của Hà Nội với các vùng địa phương
Các lợi thế là điều kiện quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của một địa phương. Tuy nhiên, mỗi lợi thế lại có ý nghĩa tương đối và bản thân chúng cũng biến đổi, tùy thuộc vào các nhân tố tác động lên chúng cũng như môi trường mà tại đó những nhân tố này hiện hữu. Nhận diện đúng các nhân tố cũng như những tác động của chúng tới sự phát triển kinh tế- xã hội là cơ sở giúp Thủ đô Hà Nội đề ra được các giải pháp có ý nghĩa thực tiễn, có tính khả thi và hứa hẹn đem lại hiệu quả cao. Bài viết sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.
Các nhân tố tác động tới lợi thế so sánh của Hà Nội
Hà Nội có những lợi thế so sánh vượt trội so với các địa phương khác trong Vùng. Có thể kể đến: Lợi thế về vị trí địa lý và các điều kiện tự nhiên; Lợi thế về quy mô và tiềm năng phát triển; Lợi thế về nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; Lợi thế về cơ sở hạ tầng vật chất và cơ sở hạ tầng xã hội; Lợi thế về tài nguyên văn hóa - tinh thần; Lợi thế về y tế và giáo dục và lợi thế về vị thế chính trị - xã hội.
Những lợi thế trên có những tác động tới các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thành phố, ảnh hưởng tới sự lựa chọn và phát triển trên thực tế những sản phẩm/dịch vụ hoặc các nhóm sản phẩm/dịch vụ trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội cũng đã khai thác được những lợi thế vào phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế của mình.
Tuy nhiên, việc khai thác các lợi thế này chưa đạt như kỳ vọng và khả năng thực tế. Có thể nhận diện một số nhân tố chủ yếu tác động tới các lợi thế của Hà Nội trong tổng thể Vùng Thủ đô như sau:
Thứ nhất, nhận thức về lợi thế của Hà Nội.
Nhận thức về lợi thế của Hà Nội như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội để có chủ trương, kế hoạch và giải pháp tương ứng là vô cùng quan trọng. Nhận thức đúng chưa hẳn sẽ có chủ trương, biện pháp hợp lý, nhưng lại là một trong những điều kiện, tiền đề quan trọng để xác định và lựa chọn chủ trương, biện pháp.
Nhận thức về lợi thế rõ ràng, cụ thể là điều kiện tiền đề để xác định và lựa chọn các biện pháp cụ thể tương ứng. Vấn đề với nhiều cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước của Hà Nội hiện nay là những nhận thức này chưa cụ thể và rõ ràng. Hầu hết các chương trình, kế hoạch, thậm chí các quy hoạch phát triển chung cũng như của mỗi ngành cụ thể đều khẳng định khai thác tối đa các lợi thế của Hà Nội.
Chỉ có rất ít các văn kiện khẳng định và chỉ rõ những lợi thế đó là gì, ở mức độ nào, tồn tại trong những điều kiện nào và cần khai thác những lợi thế nào. Logic của vấn đề là từ các nhu cầu phát triển và phân tích đặc điểm, bối cảnh phát triển và các điều kiện có thể đảm bảo (kể cả các điều kiện về nguồn lực), mà xác định các mục tiêu phát triển rồi từ đó xác định các hoạt động cần triển khai.
Các lợi thế phụ thuộc vào những yếu tố thuộc bối cảnh và điều kiện mà chúng tồn tại, được khai thác. Những lợi thế so sánh, những bối cảnh, điều kiện này không chỉ được xem xét trong bối cảnh riêng của Hà Nội, mà còn trong tương quan với các địa phương có cùng mục tiêu như Hà Nội. Một khi lợi thế không được xác định rõ, không chỉ mục tiêu khó mà ngay các giải pháp, hoạt động cũng khó xác định chính xác, khó đem lại kết quả và hiệu quả mong muốn.
Hơn nữa, việc khai thác các lợi thế (thể hiện trong mục tiêu, nhiệm vụ phát triển và các hoạt động cần triển khai) cũng cần có những điều kiện, phải đáp ứng những yêu cầu và có những nguồn lực nhất định. Yêu cầu và chủ trương khai thác tất cả các lợi thế vừa không hợp lý, vừa không hợp lệ và nhận thức này có thể dẫn tới những sai sót trong việc lựa chọn và triển khai các kế hoạch hành động.
Thứ hai, sự phân công, hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương trong Vùng Thủ đô, cũng như trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc bộ.
Sự phân công cho phép Hà Nội và các địa phương hướng mục tiêu phát triển vào những ngành, những sản phẩm khác nhau, tránh được sự trùng lặp. Điều này giúp mỗi địa phương, trong đó có Hà Nội tránh được sự dàn trải, tập trung vào một số điều kiện, nguồn lực có sự khác biệt nhất định, từ đó tạo ra sự vượt trội so với các địa phương khác.
Sự hợp tác giữa các địa phương vừa có tác dụng thu hẹp “lĩnh vực có ưu thế vượt trội” của mình (tạo điều kiện để tập trung nguồn lực củng cố và phát triển lợi thế), vừa tạo điều kiện để các địa phương hỗ trợ nhau phát huy thế mạnh, lợi thế của mình một cách thiết thực.
Vấn đề nhận thức về lợi thế của Hà Nội như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội để có chủ trương, kế hoạch và giải pháp tương ứng có ý nghĩa quan trọng. Nhận thức đúng chưa hẳn bảo sẽ có chủ trương, biện pháp hợp lý, nhưng lại là một trong những điều kiện, tiền đề quan trọng để xác định và lựa chọn chủ trương, biện pháp thực hiện.
Bản thân các địa phương trong Vùng, khi xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển và các kế hoạch triển khai chiến lược cũng không có sự tham vấn lẫn nhau và không tính đến chiến lược của địa phương khác trong Vùng đến nay. Hậu quả là các tỉnh trong Vùng Thủ đô có cơ cấu khác nhau không nhiều, có nhiều sản phẩm, mặt hàng chủ yếu giống nhau.
Sự kém hiệu quả trong hợp tác giữa các đối tượng trên khiến cho các địa phương lân cận, đặc biệt là các đô thị vệ tinh, phát triển chậm hơn nhiều so với mong muốn và ý định thành lập, vai trò hỗ trợ của các đô thị vệ tinh rất hạn chế, không giảm tải được sức ép cho Thủ đô. Trong khi đó, Hà Nội đã thực sự quá tải bởi số dân nhập cư quá lớn liên tục tăng lên, đồng thời phải đảm nhận cùng một lúc quá nhiều chức năng về kinh tế, chính trị - xã hội.
Thứ ba, chất lượng của các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là các kế hoạch dài hạn.
Vấn đề này có tác động mạnh mẽ tới việc khai thác, củng cố và phát triển các lợi thế, bởi mỗi lợi thế tuy có thể có thể được khai thác một cách tức thời, ngắn hạn (đặc biệt là khi có những cơ hội ngắn hạn) nhưng thường chỉ hình thành và được củng cố, phát triển trong một thời gian dài. Hơn nữa, để khai thác được lợi thế, Hà Nội cũng như các địa phương khác đều cần có nguồn lực, điều kiện mà việc chuẩn bị hoặc tạo ra chúng cần có thời gian, thậm chí trong một khoảng thời gian khá dài.
Hiện nay, việc quy hoạch và đầu tư phát triển Hà Nội, đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa có căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc. Điều này có thể nhận thấy rõ nhất qua sự điều chỉnh các quy hoạch một cách khá thường xuyên, không những làm chậm tốc độ phát triển, mà còn gây lãng phí về nguồn lực.
Thứ tư, vai trò của quản lý nhà nước.
Đây là nhân tố không chỉ có tác động tới lợi thế, tới việc phát hiện/nhận dạng và khai thác mỗi lợi thế mà còn tác động tới cả việc củng cố và phát triển chúng thông qua việc tạo ra môi trường thuận lợi hay bất lợi cho những hoạt động này. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng tác động tới việc khai thác, củng cố và phát triển các lợi thế bởi chúng đều cần tới sự tham gia của nhiều chủ thể xã hội khác nhau trên địa bàn.
Việc khai thác, củng cố và phát triển mỗi lợi thế có thể đem lại những lợi ích hoặc đòi hỏi sự hy sinh của các chủ thể xã hội khác nhau. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước có thể điều hòa được lợi ích, điều phối được hoạt động của các chủ thể một cách hợp lý. Việc khai thác, củng cố và phát triển các lợi thế có thể được thực hiện dễ dàng, thuận lợi và có hiệu quả cao hơn.
Công tác quản lý nhà nước ở Hà Nội đã và đang tiếp tục bộc lộ nhiều bất cập, từ mô hình quản lý, các chính sách phát triển… cho tới triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể trên nhiều lĩnh vực. Vấn đề thủ tục hành chính phức tạp, việc duy trì kỷ cương, kỷ luật, ý thức tuân thủ luật pháp hạn chế, khả năng kiểm soát, giám sát, xử lý các vi phạm trong đời sống kinh tế- xã hội đã làm trầm trọng thêm những bất ổn và làm việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong đời sống đô thị (đặc biệt là kết cấu hạ tầng quá tải, nhu cầu nhà ở tăng quá nhanh dẫn tới thị trường nhà đất bất ổn), việc thực hiện các chủ trương, chính sách trở nên chậm chạp, kém hiệu quả.
Thứ năm, trình độ phát triển và sự phân hóa về trình độ phát triển của các bộ phận, các khu vực cấu thành nền kinh tế- xã hội ở mỗi địa phương.
Trình độ phát triển càng cao thì yêu cầu với các lợi thế lại càng lớn; tiềm lực để khai thác, củng cố và phát triển lợi thế theo đó đặt ra cũng lớn hơn. Hơn nữa, trình độ phát triển càng lớn, cơ hội phát triển cũng càng đa dạng, các phương án để khai thác, củng cố và phát triển các lợi thế cũng như cách thức tổ chức để thực hiện những hoạt động/biện pháp đó cũng đa dạng. Tác động tương tự cũng có thể được ghi nhận khi xem xét, phân tích mức độ phân hóa giữa các bộ phận cấu thành nền kinh tế ở địa phương (ngành, địa bàn...).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện nay, các khu vực nông thôn Hà Nội xung quanh vùng đô thị lõi chưa được quan tâm thỏa đáng dẫn tới sự chênh lệch giữa vùng nông thôn với đô thị trung tâm nói riêng ngày càng lớn. Sự khác biệt càng tăng sẽ làm cho sự di dân (kể cả di dân dài hạn lẫn di dân ngắn hạn, tạm thời) càng gia tăng, tạo ra sức ép ngày càng lớn đối với việc đảm bảo cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng văn hóa - xã hội cho đô thị trung tâm.
Không chỉ riêng với Hà Nội, mà với tất cả các đô thị ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đô thị phát triển càng nhanh thì càng thu hút mạnh mẽ các dòng di cư, lao động từ nông thôn, càng làm những bất ổn và mất cân đối của đô thị cũng như cả vùng trở nên nặng nề, khó giải quyết.
Bên cạnh các nhân tố trên có thể dễ dàng nhận thấy những lợi thế nổi trội của TP. Hà Nội là đầu mối trung chuyển hàng hóa của các tỉnh miền Bắc Việt Nam, nằm trong hành lang kinh tế các thành phố tiểu vùng sông Mê Kông (gần các thành phố Nam Trung Quốc và Lào).
Hơn nữa lực lượng lao động trẻ, được đào tạo, dễ dàng tuyển dụng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hà Nội có hàng trăm viện nghiên cứu khoa học đầu ngành, hơn 50 trường đại học và cao đẳng có khả năng bổ sung cho thị trường lao động gần 80.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm; ngoài việc sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao có tay nghề, tố chất làm việc chăm chỉ của người lao động sẽ là cơ hội giúp các doanh nghiệp sản xuất nâng cao hiệu quả.
Các cơ quan chính phủ Việt Nam, phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế như tổ chức Liên Hợp Quốc và Phái đoàn Liên minh châu Âu, đều đặt trụ sở tại Hà Nội đã tạo ra cho các nhà đầu tư một mạng lưới liên lạc tốt nhất để chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm.
Chính quyền Thành phố thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp trong việc xúc tiến, quản lý và triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và các chương trình hỗ trợ phát triển chính thức. Cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính là một ví dụ thể hiện cam kết của chính quyền Thành phố tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế.
Với những nỗ lực của chính quyền và nhân dân Thành phố không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh và với những thành tựu đã đạt được, Hà Nội đang là địa điểm đầu tư an toàn và thành công của các nhà kinh doanh, nơi giao lưu văn hóa, gặp gỡ thân tình của tất cả các bạn bè hữu nghị.
Yêu cầu đặt ra
Trên cơ sở phân tích các yếu tố tác động tới lợi thế so sánh của Hà Nội trong vùng Thủ đô nói trên, có thể chỉ ra có 8 nguyên nhân chính dẫn tới những hạn chế trong việc khai thác các lợi thế của Hà Nội, đó là:
(i) Các lợi thế chưa được nhận dạng/nhận biết rõ;
(ii) Các lợi thế chưa đủ lớn để khai thác;
(iii) Doanh nghiệp chưa chú trọng khai thác lợi thế;
(iv) Các cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm tới các lợi thế của Hà Nội;
(v) Chính sách chưa phù hợp;
(vi) Thiếu vốn đầu tư để khai thác các lợi thế;
vii) Thiếu nhân lực để khai thác các lợi thế;
(viii) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp với yêu cầu khai thác lợi thế của Hà Nội.
Bên cạnh các nguyên nhân trên, kết quả khảo sát với một mẫu nhỏ do nhóm tác giả thực hiện cho thấy còn có 4 nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong việc khai thác các lợi thế của Hà Nội bao gồm:
(i) Chính sách chưa phù hợp (ý kiến này được 57,1% người trong mẫu khảo sát đồng tình);
(ii) Nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp (có 58,1% người trong mẫu khảo sát đồng ý);
(iii) Doanh nghiệp chưa chú trọng khai thác các lợi thế (36,4% số người trong mẫu khảo sát tán thành);
(iv) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp với yêu cầu khai thác lợi thế của thành phố (số người có đánh giá này chiếm 46,8% mẫu khảo sát). Những đánh giá này là phù hợp với những kết luận trong các công trình nghiên cứu đã được thực hiện trước đây về vấn đề này.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thành Công (2013), Thực trạng và các giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế Hà Nội giai đoạn 2011-2020, NXB Hà Nội;
2. Vũ Minh Long (2014), Một số vấn đề của kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội;
3. Trần Anh Tuấn (2016), Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững ở Việt Nam trong những năm tới. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia phối hợp với Irisch Aid (Ireland) tổ chức. Hà Nội, 11/ 2016;
4. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (2012), Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012: Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu. NXB Tri thức. Hà Nội.
5 A. Costinot, D. Donaldson (2012), Ricardo’s Theory of Comparative Advantage: Old Idea, New Evidence. MIT Paper and proceeding.