Nhân tố con người trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế
Con người là nhân vật trung tâm của xã hội, là chủ thể chân chính sáng tạo ra mọi giá trị vật chất - tinh thần để phục vụ lại chính đời sống của mình. Nhấn mạnh vai trò của con người trong quá trình sản xuất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Xã hội có cơm ăn, áo mặc, nhà ở là nhờ lao động của con người”.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con người trong xây dựng và phát triển kinh tế
Nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp cũng như hệ thống tư tưởng của Người, chúng ta thấy tư tưởng về kinh tế nói chung và quan điểm về phát huy nhân tố con người trong quá trình sản xuất kinh tế nói riêng là một vấn đề trung tâm, xuyên suốt. Người thường nói: “Vô luận việc gì đều do con người làm ra cả”, “có dân là có tất cả”. Do đó, Người thường nhắc nhở cán bộ phải biết tin ở dân; dựa vào dân, phát huy sức mạnh của toàn dân - của toàn thể cộng đồng cũng như của mỗi cá nhân.
Luôn theo sát sự biến động của thời cuộc, đánh giá đúng đắn vị trí, vai trò của nhân tố con người, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (6/1996) của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thực vậy, trước bối cảnh cách mạng khoa học – công nghệ phát triển như vũ bão, toàn cầu hóa trở thành xu thế tất yếu, kinh tế tri thức trở thành một đặc trưng của nền kinh tế, thì vai trò động lực, vị trí trung tâm của con người trong quá trình phát triển đã thực sự được khẳng định. Trong tiến trình phát triển cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh: Nhân tố con người đóng vai trò quyết định xu hướng vận động của thế giới đương đại.
Con người là nhân vật trung tâm của xã hội, là chủ thể chân chính sáng tạo ra mọi giá trị vật chất - tinh thần để phục vụ lại chính đời sống của mình. Trong mọi hoạt động của xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh tế không thể thiếu vắng bàn tay khối óc của con người.
Nói nhân tố con người là nói đến những phẩm chất, thuộc tính, tri thức, kinh nghiệm, năng lực, thói quen… của con người được biểu hiện trong các dạng thức hoạt động khác nhau, qua đó ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh tế. Một quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về quản lý kinh tế là nguyên tắc hạch toán kinh tế, làm ăn phải hiệu quả.
Quản lý một nước cũng như quản lý một doanh nghiệp: phải có lãi. Cái gì ra, cái gì vào, việc gì phải làm ngay, việc gì chờ, hoãn hay bỏ, món gì đáng tiêu, người nào đáng dùng, tất cả đều phải tính toán cẩn thận. Trong việc đổi mới kế hoạch, Người đã từng đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo:
Thứ nhất, phải cân đối; phải nhìn xa, thấy rộng; phải rất tỉ mỉ, chu đáo, thật sát với cơ sở.
Thứ hai, phải đảm bảo vấn đề dân chủ trong việc làm kế hoạch, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.
Thứ ba, phải thiết thực, tính toán cẩn thận, điều kiện cụ thể, “chớ làm kế hoạch cho đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được”.
Thứ tư, “phải dựa trên sự cần thiết cho thị trường trong nước, trước hết là thị trường của nông dân và trên phạm vi của cải của ta”. Như vậy, lần đầu tiên chúng ta thấy Hồ Chí Minh đã đề cập tới mối quan hệ giữa kế hoạch và thị trường. Ngày nay, những nguyên tắc trên vẫn giữ nguyên tính chỉ đạo của nó trong công tác xây dựng kế hoạch của chúng ta.
Thực tiễn cũng đã chứng minh, để xây dựng và phát triển kinh tế bền vững cần hội đủ 5 yếu tố, đó là vốn, khoa học và công nghệ, con người, cơ cấu kinh tế, thể chế chính trị và quản lý nhà nước, trong đó con người là yếu tố quyết định. Do vậy, trong công cuộc đổi mới ở nước ta, nhân tố con người, phát triển nguồn nhân lực chính là phát triển yếu tố nội sinh, nếu được phát huy và sử dụng có hiệu quả sẽ là động lực, nguồn sức mạnh để phục vụ cho chính sách con người và xã hội.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ, khóa VII Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực văn hóa xã hội là chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, với tư cách là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng”.
Phát triển con người toàn diện - đó cũng chính là động lực, là mục tiêu mà chúng ta đang từng bước tiến hành. Bởi lẽ, người lao động ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và trong sự phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì chất lượng của người lao động là nhân tố quyết định.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, loài người đã đạt tới một trình độ nhận thức mới về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và phát triển con người. Trong đó, phát triển con người được xem là thước đo sự phát triển của mỗi quốc gia. Do đó, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược; là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Những vấn đề đặt ra đối với nguồn lực con người Việt Nam thời kỳ hội nhập
Trên cơ sở nền tảng tư tưởng Hồ Chi Minh nói chung và tư tưởng của Người về bản chất con người xã hội chủ nghĩa nói riêng, ngoài công tác đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức cho nhân tố con người Việt Nam, coi trọng, bồi dưỡng nhân tài, trang bị chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa đạo đức, ý thức kỷ luật lao động.. thì chất lượng của nguồn lực con người, là sức mạnh trí tuệ và tay nghề.
Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải coi trọng công tác giáo dục đào tạo và khẳng định phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu như sinh thời Hồ Chí Minh vẫn thường nhấn mạnh. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu về nguồn lực con người cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, căn cứ vào yêu cầu phát triển các ngành, các vùng lãnh thổ, cần tổ chức bố trí lại lực lượng lao động một cách hợp lý trên phạm vi cả nước theo hướng đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo những ngành nghề mũi nhọn.
Thứ hai, cần tập trung nguồn lực cho giáo dục, đào tạo và khoa học – công nghệ, đồng thời quản lý sử nguồn lực này có mục đích và có hiệu quả. Giáo dục đào tạo - khoa học công nghệ được định hướng theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó, cần có những đơn đặt hàng từ phía xã hội, chính thị trường sẽ thúc đẩy các cơ quan giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; đồng thời, kích thích tính sáng tạo khoa học của các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu để họ cống hiến và đem lại hiệu quả đích thực.
Thứ ba, cần đổi mới giáo dục một cách căn bản và toàn diện, không phải là chạy theo thành tích, hình thức, khẩu hiệu mà giáo dục phải đi theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành cho người học đặc biệt đối với bậc học cao đẳng, đại học và đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát tiển của đất nước.
Xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và tạo điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo nhằm phát huy tính tích cực và chủ động của con người; Cần quan tâm đến lợi ích người lao động, trong đó cần chú ý trả lương đúng mức cho đội ngũ cán bộ khoa học, tránh tình trạng bình quân, thiếu công bằng đối với người lao động, đặc biệt là đội ngũ lao động khoa học.
Tóm lại, hội nhập nghĩa là chúng ta đang tiến vào nền kinh tế tri thức và khoa học công nghệ đã trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp, người lao động nếu không được giáo dục - đào tạo tốt, sẽ không thích nghi với những biến động của thị trường, với sự đa dạng hóa của ngành nghề và dễ dàng bị đào thải. Điều đó khiến chúng ta rõ thấy những giá trị tư tưởng kinh tế của Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời đại, mà thực tiễn chúng ta cần nghiên cứu vận dụng để xây dựng và phát triển đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1. C.Mác - Ph.Ăngghen. Tuyển tập, t.1. NXB Sự thật, Hà Nội, 1980;
2. V.I.Lênin. Toàn tập, t.38. NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1977;
3. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.20. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994;
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.4. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.