Những quy định mới về ngăn ngừa xung đột lợi ích trong doanh nghiệp

PV.

Ngày 06/06/2017, Thủ tướng Chính phủ vừa kí ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, trong đó có quy định mới về ngăn ngừa xung đột lợi ích tại doanh nghiệp (DN).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tránh các xung đột về quyền lợi của người quản lý DN

Nghị định số 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ trách nhiệm trung thực và tránh các xung đột về quyền lợi của người quản lý DN.

Theo đó, thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) và người quản lý khác phải công khai các lợi ích liên quan theo quy định của Luật DN và các văn bản pháp luật liên quan.

Thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), người quản lý khác và những người có liên quan của các thành viên này không được sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ của mình để tư lợi cá nhân hay để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác.

Thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) và người quản lý khác có nghĩa vụ thông báo cho HĐQT, Ban kiểm soát về các giao dịch giữa công ty, công ty con, công ty do công ty đại chúng nắm quyền kiểm soát trên 50% trở lên vốn điều lệ với chính thành viên đó hoặc với những người có liên quan của thành viên đó theo quy định của pháp luật.

Đối với các giao dịch của các đối tượng nêu trên do Đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT chấp thuận, công ty đại chúng phải thực hiện công bố thông tin về các nghị quyết này theo quy định của pháp luật chứng khoán về công bố thông tin.

Bên cạnh đó, thành viên HĐQT không được biểu quyết đối với giao dịch mang lại lợi ích cho thành viên đó hoặc người có liên quan của thành viên đó theo quy định của Luật DN và Điều lệ công ty.

Thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), người quản lý khác và những người có liên quan của các thành viên này không được sử dụng các thông tin chưa được phép công bố của công ty hoặc tiết lộ cho người khác để thực hiện các giao dịch có liên quan.

Kiểm soát các giao dịch, mua bán, giá cả hàng hóa và dịch vụ của công ty

Khi tiến hành giao dịch với người có liên quan, công ty đại chúng phải ký kết hợp đồng bằng văn bản theo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện.

Công ty đại chúng áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa những người có liên quan can thiệp vào hoạt động của công ty và gây tổn hại cho lợi ích của công ty thông qua việc kiểm soát các giao dịch, mua bán, giá cả hàng hóa và dịch vụ của công ty.

Công ty đại chúng áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa cổ đông và những người có liên quan tiến hành các giao dịch làm thất thoát vốn, tài sản hoặc các nguồn lực khác của công ty.

Giao dịch với cổ đông, người quản lý DN và người có liên quan

Công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh cho cổ đông là cá nhân và người có liên quan của cổ đông đó là cá nhân, trừ trường hợp công ty đại chúng là tổ chức tín dụng.

Công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh cho cổ đông là tổ chức và người có liên quan của cổ đông đó là cá nhân, trừ các trường hợp sau đây:

- Công ty đại chúng là tổ chức tín dụng;

- Cổ đông là công ty con trong trường hợp công ty con là các công ty không có cổ phần, phần vốn góp nhà nước nắm giữ và đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần của công ty đại chúng trước ngày 01/7/2015 theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật DN.

Công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh cho người có liên quan của cổ đông là tổ chức, trừ các trường hợp sau đây:

- Công ty đại chúng là tổ chức tín dụng;

- Công ty đại chúng và tổ chức là người có liên quan của cổ đông là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế và giao dịch này phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT chấp thuận theo quy định tại Điều lệ công ty;

- Trường hợp pháp luật có quy định khác.

Giao dịch nào công ty đại chúng bị cấm thực hiện?

Theo quy định tại Nghị định số 71/2017/NĐ-CP, trừ trường hợp các giao dịch được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận, công ty đại chúng không được thực hiện giao dịch sau:

- Cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), các người quản lý khác và những cá nhân, tổ chức có liên quan của các đối tượng này, trừ trường hợp công ty đại chúng và tổ chức có liên quan đến cổ đông là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế và pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Giao dịch dẫn đến tổng giá trị giao dịch có giá trị từ 35% trở lên tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty đại chúng với một trong các đối tượng sau:

- Thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc (Tổng giám đốc), các người quản lý khác và người có liên quan của các đối tượng này.

- Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng vốn cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;

- DN có liên quan đến các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật DN.

HĐQT chấp thuận các hợp đồng, giao dịch tại điểm b khoản 4 Điều này có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.

Bên cạnh đó, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP cũng quy định về đảm bảo quyền hợp pháp của người có quyền lợi liên quan đến công ty. Theo đó, Công ty đại chúng phải thực hiện trách nhiệm với cộng đồng và người có quyền lợi liên quan đến công ty theo quy định của pháp luật hiện hành và Điều lệ công ty. Công ty đại chúng phải tuân thủ các quy định pháp luật về lao động, môi trường và xã hội.