Tổng quan tình hình kinh tế trong nước và thế giới 8 tháng qua
Giá dầu giảm mạnh, Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ, kinh tế Mỹ phục hồi tăng trưởng... những yếu tố đó tác động đến Việt Nam ra sao?
1. Kinh tế thế giới.
- Kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp: Kinh tế Mỹ, ASEAN-5 tăng trưởng trong lúc nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm tác động mạnh tới kinh tế thế giới.
- Giá dầu suy giảm xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008: dầu WTI xuống mức khoảng 38USD/thùng ngày 24/8, dầu Brent là 42USD/thùng. Nguyên nhân chủ yếu được đánh giá vẫn cung vượt cầu khoảng hơn 1,5 triệu thùng/ngày. Ngày 28/8, giá dầu thế giới có sự hồi phục mạnh mẽ, tăng hơn 10% trong vòng 1 ngày lên mức 42USD/thùng đối với dầu WTI và 47USD/thùng đối với dầu Brent.
- Việc điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã có tác động đến việc giảm giá mạnh của đồng tiền của nhiều nước (Ringgit của Malaysia; đô la của Australia và New Zealand; Won Hàn Quốc, baht Thái Lan, đồng Việt Nam…) Tuy nhiên một số đồng tiền chủ chốt có xu hướng tăng giá so với đồng USD tháng 7/2015 như Euro và yên Nhật. Dự báo trong thời gian tới đồng USD tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền khác do thị trường tiền tệ thế giới đang có biến động lớn sau sự kiện NHTW Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khiến các nhà đầu tư có thể có những điều chỉnh sang lựa chọn các đồng tiền có mức độ ổn định hơn như USD
- TTCK Trung Quốc tiếp tục giảm điểm (tính đến ngày 27/8/2015, so với cuối tháng 7/2015 chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 19,32%).
2. Kinh tế trong nước
Kinh tế vĩ mô tháng 8/2015 tiếp tục duy trì đà phục hồi ở hầu hết các chỉ số, Cụ thể:
- Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2015 tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,3%).
- Nhập khẩu tăng cao nhất từ năm 2011 tới nay: 8 tháng đầu năm tăng 16% so cùng kỳ 2014, trong khi xuất khẩu tăng thấp (chỉ tăng 9% so với cùng kỳ 2014); nhập siêu ước khoảng 3,3 tỷ USD.
- Trong 8 tháng đầu năm 2015, thu hút và giải ngân FDI đều tăng trưởng mạnh, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2015 (tăng lần lượt ở mức 30,4% và 7,6% so với cùng kỳ năm 2014). Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước cũng đạt khá, ở mức 132 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014.
- CPI tháng 8/2015 giảm 0,07% so với tháng trước, tăng 0,61% so với thời điểm tháng 12/2014, tính chung 8 tháng CPI đã tăng 0,83% so với cuối năm 2014.
- Tỷ giá VND/USD trong tháng 8/2015 được NHNN điều chỉnh khá mạnh, tổng cộng điều chỉnh thêm 1% tỷ giá tham chiếu, nâng biên độ giao dịch lên 3%, như vậy đã vượt qua mục tiêu phá giá 2% từ đầu năm 2015. Trên thị trường những ngày cuối tháng 8/2015, tỷ giá gần như được giao dịch ở mức trần 22,800VND/USD, tạo sức ép lên chính sách duy trì tỷ giá của NHNN.
- Cùng chung xu hướng với TTCK thế giới, TTCK Việt Nam đã giảm mạnh trong tháng 8. Tính đến ngày 28/8/2015, chỉ số VN-Index đạt 568,14 điểm, giảm 8,5% so với cuối tháng 7 và tăng 11,5% so với cuối năm 2014. Mức vốn hóa thị trường đến cuối ngày 24/8 đạt khoảng 1.151 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với cuối tháng 7 và tương đương 29,2% GDP năm 2014.
Bên cạnh các yếu tố tích cực, cũng đã và đang xuất hiện một số nhân tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thời gian tới, đó là: áp lực tăng giá của đồng USD và sự giảm mạnh của giá dầu thế giới; nhập siêu tăng; Bên cạnh đó, sự biến động của kinh tế tăng và chính sách tài chính tiền tệ của Trung Quốc (giảm giá NDT, hạ lãi suất và dự trữ bắt buộc, bơm tiền vào thị trường tài chính,...) cũng có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư và người dân ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và tài chính trong nước.