Những tác động của TPP đối với kinh tế Việt Nam
Trong bản báo cáo đánh giá về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng trong số các nước tham gia TPP hiện nay Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất và có một số lợi thế so sánh đặc biệt mà không nước nào có được.
TPP bao gồm 12 thành viên Úc, Brunei Darussalam, Canada, Chi-lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, và Việt Nam. Các nước thành viên TPP có tổng GDP là 28 nghìn tỉ USD, tương đương 36% GDP toàn cầu, và chiếm trên 25% tổng thương mại toàn thế giới.
TPP là một hiệp định thương mại toàn diện và chi tiết, không chỉ đề cập vấn đề tiếp cận thị trường mà còn nhiều vấn đề rộng khác như mua sắm của chính phủ, chất lượng luật pháp, quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. TPP gồm 30 chương nói về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại.
Tuy các cam kết chi tiết chỉ mới được công bố gần đây nhưng nhìn chung TPP qui định vấn đề thuế quan đối với hàng hóa, hải quan, thuận lợi hóa thương mại; các qui định về an toàn và kiểm dịch thực vật; rào cản kĩ thuật đối với thương mại; bồi thường thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; mua sắm của chính phủ; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường; và các chương “theo chiều ngang” đề cập các vấn đề như phát triển, năng lực cạnh tranh, và hòa nhập; giải quyết tranh chấp, ngoại lệ và các điều khoản về thể chế.
Theo WB, TPP sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và việc làm. Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với các nước thành viên TPP. Hiện nay các nước TPP chiếm 38,8 xuất khẩu, 22,2% nhập khẩu và 38,3% vốn FDI của Việt Nam. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia và Singapore nằm trong nhóm 10 nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Ngoài việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ và cắt giảm các biện pháp phi thuế quan ra, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và cắt giảm vai trò của các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ tạo cơ sở tốt giúp thực hiện tái cơ cấu và cải cách thể chế tại Việt Nam.
Theo WB, uớc tính sơ bộ của một mô phỏng kinh tế cho thấy TPP có thể sẽ bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế, và 12% lượng tích lũy tài sản trong vòng 20 năm tới. Kết quả dự báo cho thấy hiệp định thương mại này sẽ làm tăng GDP thực tế của Việt Nam khoảng trên 8% (lũy kế ) vào năm 2030.
Phần đóng góp chính vào con số này chính là mức giảm thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu vào các nước trong khối, nhất là dệt may và phụ kiện. Thuế suất của Hoa Kỳ vẫn là 17% tính trên giá trị. Cắt giảm các biện pháp phi thuế quan cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đầu tư dự kiến sẽ tăng trên 20% khi TPP đi vào thực hiện và sẽ làm tăng đáng kể lượng vốn đầu tư và tăng trưởng dài hạn. Tiền lương 5 nhóm ngành dự kiến cũng sẽ tăng trong giai đoạn 2020-2035, trong đó tiền lương nhóm tay nghề thấp tăng nhanh nhất.