Xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng trưởng mạnh trong dài hạn
HSBC kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 10%/năm trong giai đoạn 2016 -2030. Ba yếu tố sẽ hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu một cách mạnh mẽ là lực lượng lao động lớn và có chi phí thấp, chính sách hướng tới mở cửa thương mại, FDI và kinh tế vĩ mô đang ngày càng ổn định.
Ngày 9/12, Ngân hàng HSBC đã công bố báo cáo dự báo thương mại toàn cầu, với những kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn nhờ sự đa dạng cả về sản phẩm và thị trường.
Bất chấp thách thức, xuất khẩu vẫn tăng mạnh
Theo HSBC, chỉ số tin cậy thương mại của Việt Nam đã tăng đáng kể so với một năm trước bất kể những thách thức đang diễn ra trên thị trường thế giới. Số liệu hàng tháng cho thấy xuất khẩu tăng mạnh trong năm nay, tiệm cận 10% so với cuối năm trước, trong bối cảnh xuất khẩu giảm tại các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực.
“Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng 10,1% từ năm 2021 tới 2030, ít thay đổi so với giai đoạn 2015- 2020”, báo cáo của HSBC viết.
Những yếu tố hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững về xuất khẩu của Việt Nam là dòng FDI mạnh mẽ trong những năm gần đây góp phần đa dạng hóa xuất khẩu và dần dần đưa đất nước thâm nhập vào các khu vực đóng góp giá trị cao hơn.
Đồng thời, lực lượng lao động lớn và đang tiếp tục gia tăng, trẻ và có tay nghề ngày càng cao tiếp tục hấp dẫn những nhà sản xuất các mặt hàng có giá trị không cao như quần áo và phụ liệu gia nhập thị trường Việt Nam.
Cùng với đó, tốc độ tự do hóa thương mại nhanh cũng đem lại lợi thế cho Việt Nam so với các nước còn lại của châu Á, Mỹ và châu Âu, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, nhờ việc trở thành thành viên TPP, đạt thỏa thuận về nguyên tắc về EVFTA và đang đẩy nhanh sự chuẩn bị cho việc hình thành AEC vào ngày 1/1/2016.
Báo cáo của HSBC cũng đề xuất một số hành lang xuất khẩu đáng lưu ý của Việt Nam, như thiết bị công nghệ thông tin, hiện đang là lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với dự báo sẽ đóng góp 19% vào tổng mức tăng xuất khẩu trong giai đoạn 2021 - 2030.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động đông đảo và đang tiếp tục gia tăng, những tiến bộ về phía TPP và thị trường chung ASEAN cho thấy có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút các công ty sản xuất trong các lĩnh vực có chi phí thấp; và Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì thị phần mạnh mẽ trong lĩnh vực dệt may. Quần áo và phụ liệu sẽ đóng góp 19% trong giai đoạn 2021 - 2030 trong khi dệt và sản xuất gỗ chiếm 10%.
Vị trí địa lý trong lòng châu Á giúp Việt Nam có vị thế tốt để giao thương với những nước láng giềng đang phát triển rất nhanh. Trong đó, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thâm nhập thị trường Trung Quốc với kỳ vọng Trung Quốc sẽ đóng góp 15% cho mức tăng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030, không thay đổi nhiều so với giai đoạn 2015 - 2020. Ấn Độ, Malaysia và Bangladesh mỗi thị trường đóng góp gần 15%.
Tuy nhiên, Mỹ mới là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong dài hạn và TPP sẽ là một yếu tố quan trọng trong quan hệ đối tác thương mại song phương giữa hai nước.
Việt Nam sẽ phát huy động lực trong 5 năm tới
Cũng theo HSBC, Việt Nam được kỳ vọng là một trong số ít nước trong danh sách khảo sát đạt tăng trưởng GDP hơn 6% trong năm 2015. Trong năm nay Việt Nam đã vượt lên các nước láng giềng về FDI và xuất khẩu. Đáng chú ý, bất chấp sự yếu kém về xuất khẩu trong vùng, xuất khẩu của Việt Nam đã rất kiên cường, tăng 9,6% trong chín tháng đầu năm 2015 xét về giá trị bằng đô la Mỹ, trong khi cùng thời điểm, xuất khẩu giảm tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.
Song, HSBC cho rằng, năm năm tới không phải là thời điểm phục hồi mà là thời điểm Việt Nam phát huy động lực, nhưng HSBC vẫn kỳ vọng xuất khẩu đạt tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2016 - 2020. Ba yếu tố sẽ hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu một cách mạnh mẽ là lực lượng lao động lớn và có chi phí thấp, chính sách hướng tới mở cửa thương mại, FDI và những yếu tố cơ bản của nền kinh tế vĩ mô đang ngày càng ổn định.
“Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực máy móc sẽ tăng trưởng 13% trong giai đoạn trên, được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI mạnh mẽ trong những năm gần đây”, báo cáo của HSBC viết.
Cơ sở cho nhận định này, theo HSBC, trong 10 tháng đầu năm 2015, có 1.657 dự án mới được đăng ký với tổng giá trị 12,4 tỷ USD; cao hơn 25% so với một năm trước đó. Đầu tư được trải đều trong nhiều lĩnh vực và những bước tiến vững chắc hướng tới tự do hóa thương mại, đáng kể nhất là thỏa thuận TPP cũng như AEC và hiệp định công nghệ thông tin của WTO sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam trong những năm tới.
Bên cạnh đó, quần áo và phụ liệu sẽ tăng trưởng ở mức 10% trong giai đoạn 2016 - 2020. Đức là nước nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam về quần áo và phụ liệu và một hiệp định tự do thương mại đã được thống nhất về nguyên tắc giữa Việt Nam và EU sẽ đặc biệt đem lại lợi thế cho lĩnh vực này.
Ngoài ra, mặc dù còn là những lĩnh vực nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam, hóa chất và thiết bị vận chuyển cũng sẽ là hai khu vực xuất khẩu tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.