Những thay đổi căn bản của kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII diễn ra vào tháng 5/2013 với việc ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư, kiêm Chủ tịch nước đã đánh dấu bước ngoặt lớn trên con đường phát triển kinh tế - xã hội Trung Hoa. Những chính sách mới được triển khai mạnh mẽ đã và đang làm thay đổi căn bản nền kinh tế Trung Quốc từ chất lượng tăng trưởng, tạo ra sự bền vững, tiệm cận chất lượng tăng trưởng với những nền kinh tế phát triển trên thế giới… Bài viết đánh giá những chuyển biến căn bản của nền kinh tế Trung Quốc sau 5 năm dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và những định hướng mới của nền kinh tế này những năm tới.
Kinh tế Trung Quốc trước năm 2013
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tác động xấu đến hầu hết các nước trên thế giới và không ngoại trừ Trung Quốc. Để đối phó lại với những tác động xấu của khủng hoảng này, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách, với sự can thiệp mạnh vào thị trường tài chính, tiền tệ. Chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã được nới lỏng. Tổng số tiền cho vay của các ngân hàng Trung Quốc tăng từ 9.000 tỷ USD năm 2008 lên 23.000 tỷ USD vào cuối năm 2012. Các khoản vay này đã đẩy chênh lệch giữa tỷ lệ tín dụng và tỷ lệ GDP danh nghĩa lên hai con số và giữ ở mức trên 14%.
Năm 2012, sau khi bơm 4.000 tỷ NDT vào nền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế lại bất ngờ sụt giảm, Chính phủ Trung Quốc đã chủ trương không cần dựa vào chính sách kích cầu hoặc tăng các khoản đầu tư của Chính phủ, mà xác định động lực chủ yếu của nền kinh tế phải là các cơ chế và các lực lượng thị trường. Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đưa ra biện pháp ngăn chặn “bong bóng“ tín dụng trên thị trường liên ngân nhằm giảm các khoản cho vay, giảm mức tăng cung tiền và nợ xấu, giảm thiểu nguy cơ rủi ro tài chính trong tương lai.
Chính sách trên dù giúp giảm thiểu rủi ro tài chính trong tương lai nhưng trước mắt lại tạo ra không ít khó khăn, thách thức khi chi tiêu dùng giảm mạnh, tạo ra mâu thuẫn trong phát triển. Điển hình như: Mâu thuẫn giữa áp lực phát triển chậm lại của nền kinh tế và sản xuất dư thừa; Giá thành sản xuất kinh doanh các loại tăng lên trong khi năng lực đổi mới hạn chế; Phát triển không cân bằng giữa thành thị nông thôn, giữa các khu vực; Khoảng cách thu nhập giàu nghèo quá lớn; thị trường tài chính, ngân hàng tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn...
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng cũng mạnh, chủ nghĩa bảo hộ thương mại bắt đầu xuất hiện trở lại đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào xuất khẩu, với hơn 1/4 các hoạt động kinh tế quốc dân liên quan đến xuất khẩu. Năm 2012, tỷ lệ đóng góp từ xuất khẩu vào nền kinh tế Trung Quốc là âm 2,2%. Điều này đã kéo theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư - tiêu dùng tiếp tục suy giảm...
Theo Cục Thống kê Trung Quốc, nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc suy giảm là do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một số nước phát triển trên thế giới bước vào giai đoạn điều chỉnh, nền kinh tế cũng xuất hiện hiện tượng suy giảm năng suất, tốc độ tăng trưởng; Nhu cầu tiêu dùng bên ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc còn yếu; Các dòng tiền “nóng” rút khỏi các nền kinh tế mới nổi (trong đó có Trung Quốc). Trong khi đó, tại Trung Quốc, tiền công lao động tăng cao khiến xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, kết cấu kinh tế mất cân đối về đầu tư - tiêu dùng chưa được giải quyết, thậm chí còn tăng thêm.
Ba động lực lớn lôi kéo kinh tế tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu ròng (cỗ xe tam mã) trong năm 2012 và 2013 (xem bảng 1) đều cho thấy những bất ổn. Tỷ lệ đóng góp của đầu tư trong GDP đã tăng lên từ 50,4% (2012) lên 54,4% trong năm 2013; Tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng lại giảm từ 51,8% (2012) xuống còn 50%; Tỷ lệ đóng góp của xuất khẩu ròng là -2,2% giảm xuống -4,4%.
Như vậy, trong năm 2013, kết cấu mất cân đối đầu tư cao (trên 50% GDP) và tiêu dùng thiếu hụt không những không được giải quyết mà còn tăng thêm. Trong khi xu hướng của thế giới là tỷ lệ đầu tư/GDP giảm xuống thì ở Trung Quốc, đầu tư đã ở mức cao lại tiếp tục tăng, tiêu dùng đã thiếu hụt, tỷ lệ tiêu dùng/GDP lại càng giảm, tỷ lệ tiết kiệm/GDP tăng cao.
Tăng trưởng tiêu dùng giảm sút do thu nhập thực tế của người dân giảm; Đầu tư vẫn là động lực lớn nhất lôi kéo kinh tế tăng trưởng. Xuất khẩu nếu như trước đây đóng góp đến 25% - 30% GDP, giải quyết 200 triệu việc làm, khiến Trung Quốc được mệnh danh là “công xưởng thế giới”, là động lực lớn thứ 2 chỉ sau đầu tư lôi kéo kinh tế tăng trưởng thì năm 2013 lại giảm tăng trưởng. Điều này cho thấy, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và mô hình hướng vào xuất khẩu của Trung Quốc rõ ràng cần có sự thay đổi.
Tựu chung, đa số người dân Trung Quốc có thói quen tiết kiệm, ít tiêu dùng và triển vọng xuất khẩu ảm đạm, tăng trưởng đầu tư luôn ở mức cao, là nguyên nhân dẫn đến dư thừa sản lượng ở Trung Quốc.
Tạo chuyển biến tích cực từ năm 2013
Trước thực trạng trên, việc giữ ổn định tăng trưởng được đặt ra đối với Trung Quốc. Nếu tăng trưởng không ổn định sẽ dẫn đến hàng loạt bất ổn khác về: thu nhập, lao động việc làm, trật tự xã hội và khả năng cạnh tranh quốc gia... Do đó, năm 2013, Chính phủ Trung Quốc đã đặt nhiệm vụ “ổn định tăng trưởng” lên hàng đầu trong điều tiết vĩ mô, thậm chí nhấn mạnh “đưa ổn định tăng trưởng lên vị trí quan trọng hơn nữa”. Tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương cuối năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 là 7,5%, trong đó, chủ yếu dựa vào đầu tư và tiêu dùng.
Để đạt mục tiêu này, năm 2013, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm “ổn định tăng trưởng, điều chỉnh kết cấu, thúc đẩy cải cách”... Điển hình như “gói kích thích mini” được thực hiện trên 3 phương diện:
Thứ nhất, tạm miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiêp cho khoảng 6 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có doanh thu hàng tháng không quá 20.000 nhân dân tệ; Mở rộng phạm vi thí điểm trưng thu thuế giá trị gia tăng thay cho thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ hai, đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy sự phát triển ổn định của xuất nhập khẩu;
Thứ ba, triển khai cải cách thể chế đầu tư, tài chính vào đường sắt, mở cửa toàn diện thị trường xây dựng đường sắt, mở rộng quyền sở hữu và quyền kinh doanh trong xây dựng đường sắt nói chung và ở miền Trung, miền Tây và khu vực nghèo đói nói riêng... Nhờ vậy, kinh tế Trung Quốc đã phục hồi, đạt mức tăng trưởng 7,7% trong năm 2013.
Tháng 5/2013, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII thành công đã ra mắt thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc, với Chủ tịch nước, kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình và Thủ tướng Chính phủ Lý Khắc Cường... Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức sâu sắc được những hạn chế của các động lực tăng trưởng theo mô hình cũ của nền kinh tế. Học thuyết kinh tế của Chính phủ Ôn Gia Bảo trước đó được đánh giá là mạnh về tăng trưởng nhưng rất yếu về các cải cách kinh tế.
Kinh tế Trung Quốc bộc lộ những tồn tại như: tình trạng cho vay bừa bãi của chính phủ, tỷ lệ lạm phát tăng vọt, bong bóng tài sản đang nổi lên và các khoản nợ xấu đe dọa nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế thiếu ổn định... Mặt khác, nền kinh tế chủ yếu dựa vào mức tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, các khoản đầu tư do Chính phủ tài trợ và xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Đây là một mô hình tăng trưởng có nhiều nguy cơ khó lường.
Để giải quyết những tồn tại đặt ra, các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc xác định sự cần thiết phải cải tổ nền kinh tế, chú trọng hơn nữa vào tăng nhu cầu và năng suất trong nước, đồng thời, quyết liệt triển khai những chủ trương, chính sách hợp lý, giúp cải tổ đất nước Trung Quốc. Theo đó, định hướng đổi mới đã được đưa ra là:
Thứ nhất, đổi mới chính trị tạo động lực cho đổi mới kinh tế, những góc khuất của kinh tế không thể được che lấp bằng quyền lực. Điều này thể hiện qua sự liên kết giữa chiến dịch làm trong sạch bộ máy công quyền với chính sách tái cơ cấu nền kinh tế. Sự quyết liệt trong phòng chống tham nhũng và lạm quyền đã giúp cho những kế hoạch hành động của chính quyền không chỉ là tiền khả thi mà được thực thi quyết liệt, khi quyền lực được kiểm soát – minh bạch chính trị.
Thứ hai, giải quyết hậu quả vấn đề phát triển “nóng” dựa trên tăng tưởng tín dụng – vay nợ để đầu tư phát triển; Đưa kinh tế Trung Quốc lớn về quy mô sang mạnh về tiềm lực với chính sách tái cơ cấu lại nền kinh tế. Đây là hướng đi chuẩn xác và kết quả là giảm phát triển “nóng” cho kinh tế Trung Quốc nhưng không gây ra khủng hoảng, sụp đổ.
Thứ ba, đảm bảo được sự độc lập khi chủ trương, chính sách luôn song hành cùng biện pháp thực hiện và công cụ hỗ trợ. Điều này giúp cho Trung Quốc hạn chế được việc lệ thuộc vào đối tác, ngược lại biến thành trung tâm có lực hút mạnh, kéo nguồn lực từ nước ngoài phục vụ cho phát triển đất nước. Đặc biệt, sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thể bất khả thi khi niềm tin chiến lược của Trung Quốc với các đối tác chưa thể được xác lập do hậu quả của phát triển “nóng”. Vì vậy, Trung Quốc có biện pháp hiện thực hoá bằng nội lực và các công cụ hỗ trợ mạnh.
Những thay đổi căn bản của nền kinh tế
Những chính sách trên đã giúp cho Trung Quốc có được thay đổi căn bản như:
Một là, thay đổi căn bản trong chất lượng tăng trưởng, tạo ra sự bền vững, tiệm cận chất lượng tăng trưởng của những nền kinh tế phát triển trên thế giới. Cơ cấu tăng trưởng thay đổi, kinh tế tiêu dùng, kinh tế dịch vụ đã chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP - chất lượng sống của người dân song hành cùng tăng trưởng kinh tế đất nước. Có thể lấy kết quả tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc quý II/2017 làm ví dụ. Tăng trưởng GDP đạt 6,9%, từ doanh số bán lẻ đến kinh tế đầu tư, từ sản xuất công nghiệp đến tiêu dùng nội địa đều vượt mọi dự báo. Đặc biệt, kinh tế tiêu dùng Trung Quốc đã đóng góp tới 63,4% vào tăng trưởng GDP.
Hai là, giải được bài toán nợ quốc gia một cách căn bản, khiến cho việc gia tăng tổng nợ quốc gia trong bối cảnh kinh tế phát triển chậm lại cũng không gây sụp đổ kinh tế.
Trong năm 2015, nợ quốc gia của Trung Quốc có cơ cấu: Nợ của doanh nghiệp chiếm 165%/GDP, nợ của hộ gia đình chiếm 41%/GDP, nợ của chính phủ chiếm 22%/GDP, nợ của hệ thống ngân hàng chiếm 19%/GDP. Nợ doanh nghiệp chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng nợ quốc gia, do vậy phải cơ cấu lại khoản nợ này. Năm 2016, ngân hàng Trung Quốc cho vay kỷ lục mà khủng hoảng nợ không xảy ra, đó chính là nhờ cơ cấu được nợ quốc gia.
Trong khi cho vay mua nhà tăng từ 3.050 tỷ nhân dân tệ trong năm 2015 lên 5.680 tỷ nhân dân tệ trong năm 2016, ngược lại các khoản vay của các doanh nghiệp và các tổ chức phi tài chính giảm từ 7.380 tỷ nhân dân tệ xuống 6.100 tỷ nhân dân tệ. Như vậy, nợ hộ gia đình tăng đến hơn 86% trong năm 2016 và làm thay đổi tỷ trọng trong tổng nợ quốc gia của Trung Quốc. Dù lượng cho vay của các ngân hàng Trung Quốc tăng 8% trong năm 2016, làm tăng tổng nợ quốc gia, song áp lực nợ của Trung Quốc đã giảm đi rất nhiều. Chính phủ đã dần kiểm soát được nợ - nhất là nợ địa phương – qua việc tái cơ cấu nợ.
Ba là, một “nền kinh tế mình ong xác ve” mang tính chất một “nền kinh tế đa quốc gia” của Trung Quốc nằm ngoài biên giới Trung Quốc, hình thành từ gần 1.000 tỷ USD được thực hiện qua những thương vụ M&A by Chinese ở nước ngoài, đảm bảo cho kinh tế Trung Quốc khả năng đề kháng cao nhất trước những bất lợi. Có thể thấy rằng, đây là hiện tượng “độc nhất vô nhị” trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới mà Trung Quốc đã tạo ra. Chiến lược “mình ong xác ve” cũng đã phục vụ hiệu quả cho chính sách “đi tắt đón đầu” trong việc nâng cao khả năng quản trị, đổi mới công nghệ nhằm giúp Trung Quốc rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội XIX đã nhấn mạnh, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước vào một kỷ nguyên mới. Trong 5 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo ra những “thay đổi lịch sử”. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng mạnh từ 54.000 tỷ lên 80.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 12.100 tỷ USD). Hơn 60 triệu người đã thoát khỏi nghèo đói. Trung Quốc đang trong thời kỳ quan trọng với cơ hội phát triển mang tính chiến lược, tuy nhiên cũng có nhiều thách thức lớn. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đã biến đổi từ bước tăng trưởng nhanh sang giai đoạn phát triển chất lượng cao.
Tầm nhìn tương lai
Báo cáo của Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX đã vạch ra tầm nhìn mới trong đường hướng phát triển của Trung Quốc 5 năm tiếp theo (2017- 2022) và định hình đường hướng phát triển của Trung Quốc đến giữa thế kỷ này với 2 mốc thời gian 2035 và 2050. Bằng “Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trực tiếp gửi đi thông điệp rằng sự phát triển của Trung Quốc đã vượt ra ngoài thời đại. Đến năm 2021, GDP bình quân sẽ tăng gấp đôi so với năm 2010.
Bên cạnh đó, Trung Quốc xác định “không cải cách, thị trường hóa ồ ạt, nhà nước sẽ dẫn dắt quá trình này”. Rõ ràng, các tín hiệu phát đi cho thấy, ổn định chính trị và theo đuổi lợi ích quốc gia được Trung Quốc đặt ở vị trí ưu tiên so với việc xác lập các nguyên tắc kinh tế thị trường. Cùng với đó, mô hình kinh tế của Trung Quốc sẽ nhấn mạnh tính đặc thù và đẩy mạnh xuất khẩu mô hình phát triển.
Trung Quốc kết hợp sự can dự sâu rộng của nhà nước với thị trường để đạt mục tiêu có một nền kinh tế hiện đại, mang sức mạnh toàn cầu. Từ những kế hoạch lớn nhằm nâng cấp ngành công nghiệp như chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” đến các giải pháp kỹ thuật trên thị trường chứng khoán và ngân hàng đều được Chính phủ Trung Quốc thiết kế tỷ mỉ. Với tư cách là động lực chính của phát triển kinh tế quốc gia, DNNN đóng vai trò là nhân tố dẫn dắt trong cải cách tổng cung.
Trong quá trình vươn tầm ảnh hưởng ra bên ngoài, Trung Quốc không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu vốn, xuất khẩu lao động mà còn xuất khẩu cả mô hình phát triển. Sau khi đẩy mạnh quảng bá cho Sáng kiến “Vành đai, Con đường”, tại Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc giới thiệu “Giải pháp Trung Quốc”, “Mô hình Trung Quốc” như một cách thức mới để các nước có thể vừa phát triển nhanh, vừa tránh khủng hoảng của nền kinh tế thị trường tự do.
Toàn bộ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Trung Quốc được xác định là một quá trình: (i) Giảm dư thừa sản lượng, (ii) Giảm tồn kho, (iii) Giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính, (iv) Bù đắp cho các khu vực khó khăn, (v) Giảm chi phí vốn. Cách tiếp cận này đặt trọng tâm vào kiểm soát rủi ro trước khi thực hiện các cải cách cần thiết. Để đảm bảo đạt mục tiêu GDP đề ra, Trung Quốc đã hối thúc DNNN tăng đầu tư vào các lĩnh vực nhà nước chỉ định. Vì vậy, cải cách theo hướng điều chỉnh tổng cung trên thực tế là một kế hoạch dài hạn can thiệp vào nền kinh tế thông qua DNNN. Hai lĩnh vực được đẩy mạnh có thể gồm: (i) Cải cách tài chính tiền tệ và (ii) Cải cách DNNN. Cải cách tài chính tiền tệ với trọng tâm là ngăn ngừa các rủi ro tài chính, đặc biệt là khủng hoảng nợ, có thể sẽ được ưu tiên.
Tài liệu tham khảo:
1. GS.,TS. Nguyễn Quang Thuấn, 2015, Cải cách kinh tế của Trung Quốc sau Đại hội XVIII và tác động;
2. ThS. Nguyễn Mai Phương - Viện Nghiên cứu Trung Quốc, 2014, Xã hội Trung Quốc năm 2013 và phương hướng phát triển năm 2014;
3. TS. Phạm Sỹ Thành, 2017, Định hình kinh tế Trung Quốc sau Đại hội XIX;
4. Ngọc Việt, 2017, Những cải cách “đặc sắc Trung Quốc” và dấu ấn Tập Cận Bình - http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Nhung-cai-cach-dac-sac-Trung-Quoc-va-dau-an-Tap-Can-Binh-post180504.gd;
5. GS., TS. Đỗ Tiến Sâm, Những thách thức và khó khăn đặt ra trước sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc;
6. Nguyễn Huy Quý, 2009, Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2009/346/Trung-Quoc-truoc-cuoc-khung-hoang-tai-chinh-toan-cau.aspx.