Những tổn thất nào được loại trừ trách nhiệm trong bảo hiểm đầu tư xây dựng?
Có hiệu lực từ 01/3/2017, Thông tư số 329/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 26/12/2016 quy đinh rõ các loại tổn thất mà doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Thông tư số 329/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2005/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt đầu tư xây dựng.
Theo đó, các loại tổn thất được loại trừ trách nhiệm trong bảo hiểm đầu tư xây dựng gồm:
Một là, tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý, Thông tư quy định như sau: Tổn thất phát sinh do bạo loạn, đình công, hành động của các thế lực thù địch.
Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm (quy định này không áp dụng đối với bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường trong trường hợp người lao động tự vệ, cứu người, cứu tài sản hoặc sử dụng các chất kích thích để điều trị theo chỉ định của bác sĩ).
Tổn thất phát sinh do lỗi thiết kế của nhà thầu tư vấn đối với công trình xây dựng (quy định này chỉ áp dụng đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng).
Tổn thất phát sinh do nhà thầu tư vấn cố ý lựa chọn phương pháp thi công, tính toán, đo đạc, thiết kế, sử dụng vật liệu chưa được thử nghiệm, tư vấn sử dụng các chất amiăng hoặc các nguyên liệu có chứa chất amiăng (quy định này chỉ áp dụng đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng).
Hai là, tổn thất không mang tính ngẫu nhiên, cụ thể: Tổn thất do hiện tượng ăn mòn, mài mòn, ôxy hóa, mục rữa, kết tạo vẩy cứng (như han gỉ, đóng cặn hoặc các hiện tượng tương tự khác), khuyết tật của nguyên vật liệu (quy định này chỉ áp dụng đối với các công trình xây dựng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Thông tư này); Tổn thất do hiện tượng ăn mòn, mài mòn, ôxy hóa, khuyết tật của nguyên vật liệu (quy định này chỉ áp dụng đối với các công trình xây dựng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Thông tư này).
Ba là, tổn thất không lượng hóa được bằng tiền, đó là các tổn thất đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính được nhà thầu tư vấn sử dụng để thực hiện công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng (quy định này chỉ áp dụng đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng).
Bốn là, tổn thất mang tính thảm họa, như: Tổn thất phát sinh do chiến tranh, hành động khủng bố, phản ứng hạt nhân, phóng xạ hạt nhân, nhiễm phóng xạ; Tổn thất do việc tư vấn khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng dẫn đến gây ô nhiễm, nhiễm bẩn đối với môi trường và bên thứ ba (quy định này chỉ áp dụng đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng).
Năm là, tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm theo quy định tại khoản 9 điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Thông tư quy định rõ các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thỏa thuận với bên mua bảo hiểm và ghi rõ tại hợp đồng bảo hiểm các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng dẫn trên và các loại trừ trách nhiệm bảo hiểm khác (nếu có) thuộc các tổn thất quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 119/2015/NĐ-CP và phù hợp với quy định pháp luật.