Những yếu tố nào tác động khả năng tăng trưởng của Việt Nam những tháng cuối năm?

PV.

Trong bức tranh tăng trưởng chung, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm của Việt Nam tiếp tục tích cực, những nỗ lực cải cách phát triển trong thời gian qua được các tổ chức quốc tế nhìn nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đánh giá về những yếu tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2018, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2018 cho rằng, về giá hàng hóa và sức ép lạm phát, giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới dự báo tăng cao (giá dầu thô sẽ tăng mạnh 32,6%, giá hàng hóa không tính giá năng lượng tăng 5,1% trong năm 2018- WB).

Ở trong nước, giá dịch vụ y tế, giáo dục, lương cơ bản sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng theo lộ trình, giá các mặt hàng thiết yếu, nguyên, nhiên liệu đầu vào cơ bản tăng gây khó khăn hơn cho các ngành sản xuất, cùng với áp lực tăng tỷ giá VND/USD ... khiến cho áp lực lạm phát của ta có dấu hiệu tăng cao trở lại.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2018 cũng đánh giá, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, một số hiện tượng thiên tai điển hình đã xảy ra trên địa bàn các tỉnh nước ta, nhất là cơn bão số 3 (Sơn Tinh) và sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào ngày 23/7/2018 gây ra tổn thất lớn về người, tài sản và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất.

Ngoài ra, bối cảnh quốc tế cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn, các quốc gia có xu hướng tiếp tục phá giá đồng nội tệ của mình so với các đồng tiền mạnh (USD, EUR,…) để hạn chế thiệt hại, đặc biệt là Trung Quốc - có thể nước này sẽ mạnh tay phá giá đồng nội tệ để tạo cạnh tranh thương mại.

Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, nhiều quốc gia đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực, diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Các chuyên gia đều có chung nhận định, điều này ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu và sau đó là tăng trưởng kinh tế. Việc Fed đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất trước đó, đồng thời dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019, và thanh khoản ngân hàng, nhập siêu và dòng vốn gián tiếp vẫn là những ấn số cho thị trường ngoại hối những tháng cuối năm...

Tuy nhiên, trên góc nhìn lạc quan, vẫn có nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi mà hơn nửa năm qua đi, nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Điều này cũng được ghi nhận qua đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 của các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế.

Cụ thể, ngày 19/7/2018, Ngân hàng Phát triển châu Á đưa ra mức dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 đạt 7,1%, giữ nguyên mức tăng như đánh giá đầu năm nay. Đây là đánh giá tích cực trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có dấu hiệu gia tăng.

Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered công bố dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 7% trong năm 2018, tăng so với dự báo 6,8% của Standard Chartered đưa ra trước đó.