Nhượng quyền khai thác hạ tầng giao thông khung pháp lý và cách nhìn mới
(Tài chính) Dư luận xã hội hiện quan tâm đến kế hoạch nhượng quyền khai thác một số tuyến đường cao tốc đã hoàn thành để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình khác của Bộ Giao thông - Vận tải. Đây có lẽ là kế hoạch khả thi, bởi lẽ khi nguồn vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn hẹp, thì việc kêu gọi xã hội hóa là cần thiết.
- Ông nhìn nhận như thế nào về việc bán quyền khai thác một số tuyến cao tốc để lấy tiền tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông mà ngành giao thông - vận tải đang triển khai?
- Ngành giao thông - vận tải hiện cần vốn để đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Do vậy, việc bán quyền khai thác một số tuyến đường cao tốc để lấy tiền đầu tư là một trong các biện pháp nhiều quốc gia trên thế giới đã làm. Vấn đề cơ bản là phải có khuôn khổ pháp lý, vì không phải nhà đầu tư nào cũng có thể được phép mua lại những công trình Nhà nước bán lại. Và có khuôn khổ pháp lý để xác định lưu lượng xe lưu thông qua các công trình này, mức phí thu của mỗi phương tiện giao thông, điều kiện để bảo đảm chất lượng đường, tái đầu tư, bao dưỡng, duy trì… Trên thế giới, theo tính toán, nhà đầu tư tư nhân thường hoạt động hiệu quả hơn doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy cần có luật về cổ phần hóa, khung pháp lý quy định rõ trách nhiệm giải trình, trách nhiệm của mỗi bên để bảo đảm lợi ích phát triển kinh tế, lợi ích của nhân dân.
- Tiếp sau việc bán quyền khai thác đường cao tốc, hiện ngành giao thông đang xem xét để thí điểm bán quyền khai thác một số sân bay, như bán 100% vốn quyền khai thác sân bay Phú Quốc, sảnh E-nhà ga T1 sân bay Nội Bài…, kêu gọi liên doanh xây dựng một số sân bay khác. Ông bình luận gì về động thái này?
- Đây là những việc làm cần thực hiện, chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ, vấn đề là cần có khung pháp lý rõ ràng. Chúng ta phải dự báo trước lượng hành khách, lượng máy bay sẽ tăng bao nhiêu, chất lượng dịch vụ như thế nào. Cũng phải có quy định người có quyền sử dụng sân bay đó thì phải cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận bình đẳng giữa các hãng hàng không, tránh việc một hãng hàng không nào đấy mua quyền sử dụng sảnh của nhà ga sẽ gây khó khăn cho hãng khác bằng việc không cho hạ cánh vào thời gian không thuận lợi hoặc hạ cánh xa... Phải có quy định pháp luật và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, nếu không sẽ khiến hành khách có cảm giác bị phân biệt đối xử, tạo bất lợi cho quá trình phát triển ngành hàng không.
- Hiện nay, việc nhượng quyền kinh doanh công trình hạ tầng giao thông dự kiến sẽ do chủ đầu tư thực hiện. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, các công trình hạ tầng lớn về giao thông được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân, nên quyết định bán quyền khai thác các công trình này không thể do bộ chủ quản hay đơn vị làm chủ đầu tư đưa ra. Vậy, chủ thể nào mới có đủ thẩm quyền đưa ra quyết định này, thưa ông?
- Đây là vấn đề quốc gia nên không thể giao bộ chủ quản hay doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư thực hiện. Do đó, theo tôi Chính phủ cần trình ra Quốc hội dự thảo Luật Cổ phần hóa, bao gồm cả cổ phần hóa hoặc bán lại, chuyển nhượng quyền sử dụng các sân bay, đường cao tốc… Văn bản luật là cơ sở pháp lý cho triển khai công tác này, là cơ sở để Quốc hội giám sát việc triển khai áp dụng pháp luật. Đây là chủ trương mới cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tuy vậy, nhiều nước trên thế giới đã có khung luật pháp rõ ràng. Ngân hàng Thế giới ban hành luật mẫu và các tổ chức khác cũng đưa ra tư vấn cho nước ta.
- Theo ý kiến của một số chuyên gia thì việc cho tư nhân tham gia đầu tư xây dựng, khai thác một phần hoặc một nhà ga của một sân bay là điều bình thường mà nhiều nước trên thế giới đã làm...?
- Hiện nay, chúng ta chưa có khung pháp luật. Trên thế giới, khu vực đầu tư tư nhân đã có kinh nghiệm hoạt động hàng trăm năm nay. Họ cạnh tranh với nhau, đấu thầu như thế nào đều đã biết và có thể đánh giá được. Đối với chúng ta, khu vực tư nhân, năng lực, trách nhiệm giải trình của họ như thế nào, sự giám sát... chưa đạt trình độ quốc tế. Vì thế, cần có khung pháp luật, tiến hành từng bước thận trọng và rút kinh nghiệm, có sự bổ sung, xem xét, giúp đỡ. Nếu làm ồ ạt, không chuẩn bị thì dễ dẫn tới hiệu quả kém. Trong kinh tế hiệu quả là tiêu chuẩn cao nhất, nhất là hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng công trình.
- Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, xã hội hóa công tác xây dựng và khai thác hạ tầng hàng không là cần thiết và phương án an toàn, hiệu quả là tiến hành cổ phần hóa?
- Thực tế, việc nhượng lại quyền sử dụng sảnh E1 nhà ga T1 sân bay Nội Bài cũng là hình thức cổ phần hóa. Cổ phần hóa là nhượng lại quyền sử dụng. Anh có quyền sử dụng nhưng không có quyền đầu tư thay đổi kết cấu. Nhưng nếu anh bán lại nhà ga thì không những có quyền sử dụng mà có quyền thay đổi kết cấu. Như vậy lại phải có quy định, anh mua lại nhà ga thì có quyền gì, ai giám sát? Rõ ràng chúng ta thấy cần có khung pháp luật rất chặt chẽ. Trách nhiệm của người mua lại và người sử dụng đó cũng phải quy định bằng pháp luật. Đối với công trình tầm cỡ quốc gia và có trách nhiệm quốc tế thì cần có quy định pháp luật và thực hiện nghiêm túc.
- Cho dù có sự tham gia của tư nhân thì vẫn rất cần vai trò quản lý của Nhà nước để bảo đảm an ninh, an toàn. Vậy Nhà nước sẽ chi phối như thế nào, trong những khâu nào và tư nhân tham gia đến đâu trong những công trình cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng?
- Nhà nước có vai trò rất lớn và sẽ sử dụng luật để quy định tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chí về dịch vụ, giá cả. Nhà nước sẽ kiểm soát để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận bình đẳng các dịch vụ của cảng đó, sân bay đó, sự tiếp cận bình đẳng của các xe lưu thông trên đường cao tốc đó. Chính sự tiếp cận, cạnh tranh bình đẳng tạo nên chất lượng của sân bay hay bến cảng. Do vậy, Nhà nước tiếp tục là người đại diện toàn dân, của nền kinh tế quốc dân để bảo đảm người thuê lại, người được nhượng quyền khai thác sẽ thực hiện đúng nhằm phục vụ lợi ích quốc dân chứ không lạm dụng quyền đó để tư lợi.
- Xin cám ơn ông!