Nhượng quyền thương hiệu không dễ "ăn"

Theo Vân Linh/thoibaokinhdoanh.vn

Nhượng quyền thương hiệu không còn là hình thức kinh doanh quá mới mẻ tại Việt Nam nhưng thời gian gần đây đang nóng trở lại khi không còn là sân chơi của riêng những thương hiệu lớn mà còn là của trà chanh, trà sữa, cà phê... Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư đã phải đối mặt với “trái đắng trên trời rơi xuống” nếu không biết cách thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thay vì đầu tư và phát triển một thương hiệu mới sẽ tốn nhiều thời gian, nguồn lực tài chính, việc tìm kiếm thương hiệu đã thành công trên thị trường là một trong những giải pháp cho các nhà đầu tư gia nhập thị trường, lĩnh vực kinh doanh mới một cách nhanh chóng.

Thức uống vỉa hè cũng nhượng quyền

Trước đây, xu hướng nhượng quyền thường là các thương hiệu nước ngoài trong lĩnh vực thức ăn nhanh (F&B), giáo dục, hàng tiêu dùng... Những thương hiệu lớn đã nhượng quyền gồm McDonald’s, Baskin Robbins, Haagen-Dazs (Mỹ), Pizza Hut, Pepper Lunch, Burger King, (Singapore), Lotteria, Caffe Bene, Tous Les Jours, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Swensen’s (Malaysia), Oasis, Karren Millen, Warehouse, Topshop, Coast London, (Anh), Bvlgari, Moschino, Rossi, (Italia)…

Một số chuỗi ẩm thực như Lotteria, KFC… đã có hàng trăm cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Hay như trong giai đoạn 2015-2016, thị trường đã ghi nhận sự khuynh đảo của trà sữa trên thị trường đồ uống.

Thời điểm đó, trà sữa không chỉ trở thành thức uống của mọi lứa tuổi từ già, trẻ, lớn, bé.. các thương hiệu trà sữa bấy giờ còn làm nên điều đáng gờm hơn là tạo ra “văn hoá trà sữa”. Các quán trà sữa mọc lên ở khắp mọi nơi, đầu tư cho trà sữa trở thành khoản đầu tư “thông minh” nhất.

Hay như các chuỗi cà phê được người tiêu dùng khá ưa chuộng như Aha, Kafa, Highland Coffee, The Coffee House, Cộng cà phê... với hệ thống cửa hàng ở tất cả mọi con phố, địa điểm đẹp nhất tại các thành phố lớn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, người tiêu dùng bỗng chốc phát hiện các quán trà chanh nổi lên như nấm mọc sau mưa sau một thời gian dài bão hòa. Bất ngờ hơn khi món đồ uống này quay lại với hình thái mới, một chế độ “nhượng quyền” từ các thương hiệu đã thành công trước đó.

Theo tìm hiểu, các chuỗi trà chanh lớn có hình thức nhượng quyền đã phát triển một cách chóng mặt. Không chỉ có cơ sở tại nội thành, mà ngoại thành cũng nhiều không đếm xuể. Có thể kể tới như Tmore trà chanh với hơn 40 cơ sở trên toàn quốc, Chill - tiệm trà chanh với hơn 20 cơ sở trên toàn quốc...

Nếu như giá nhượng quyền của một thương hiệu đồ ăn, đồ uống đến từ nước ngoài có thể có lên tới hàng trăm nghìn USD tùy vào “sức mạnh” của mỗi thương hiệu, nhưng với trà chanh chỉ cần vài trăm triệu đồng đã có thể sở hữu một cơ sở kinh doanh với lượng khách ổn định.

Ngoài ra, khi nhượng quyền, nhà đầu tư còn được sở hữu hệ thống thương hiệu; sản phẩm/ dịch vụ; bí quyết sản xuất, chế biến sản phẩm; chiến lược, mô hình kinh doanh, chính sách quản lý, hỗ trợ tư vấn, khai trương, kiểm soát, quảng cáo.

Nhượng quyền thương hiệu phổ biến trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, thực phẩm, đồ uống
Nhượng quyền thương hiệu phổ biến trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, thực phẩm, đồ uống
 

Thuận lợi lớn, rủi ro cũng lớn

Rõ ràng, thuận lợi của việc nhượng quyền một thương hiệu là không thể phủ nhận, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện đang đứng thứ 8/12 thị trường hàng đầu được Hiệp hội Nhượng quyền quốc tế xác định là có giá trị nhất cho việc mở rộng toàn cầu.

Bên cạnh các lĩnh vực tiềm năng như thực phẩm, đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp, chăm sóc da, cửa hàng tiện lợi, nhiều mô hình kinh doanh mới cũng dần xuất hiện tại thị trường Việt từ sản xuất đến các dịch vụ, đào tạo, mô hình giáo dục trẻ em, kinh doanh quần áo, giày dép, thời trang.

Tuy nhiên, theo nhà sáng lập một thương hiệu đang nhượng quyền, không phải mua nhượng quyền của các thương hiệu nổi tiếng là an toàn và đảm bảo lợi nhuận, nhất là khi các công ty mẹ gặp sự cố.

Chẳng hạn như vài năm trước, khi thương hiệu Cháo Cây Thị còn thời “hoàng kim”, chủ thương hiệu này đã thu được trên 10 tỷ đồng nhờ nhượng quyền, trung bình 800 triệu - 1 tỷ đồng/cửa hàng. Tuy nhiên, sau thông tin Cháo Cây Thị có chất bảo quản Natri Benzoat chống ôi thiu, nhiều cửa hàng mua nhượng quyền thương hiệu này đã sụt giảm doanh thu một cách thê thảm.

Hay như rủi ro đến từ việc trào lưu thoái trào, như những gì nhóm các thương hiệu trà sữa nhượng quyền từ Đài Loan hay Trung Quốc đang gặp phải khi đã có những thương hiệu phải ngừng kinh doanh.

Thực tế, đối với các thương hiệu nhượng quyền, bài toán mặt bằng chưa bao giờ là dễ dàng, trà Phúc Long - một tên tuổi đình đám đã từng phải đóng 2 cửa hàng đắc địa ở Tp.HCM do gánh nặng về chi phí mặt bằng. Bên cạnh đó là cuộc cạnh tranh gay gắt với các “ông lớn” dày vốn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup, người đã thành công khi phát triển các chuỗi giáo dục và đầu tư vào hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ Soya Garden, nhượng quyền thương hiệu sẽ không đảm bảo được chất lượng của toàn bộ các cơ sở kinh doanh trên toàn hệ thống, rủi ro “con sâu làm rầu nồi canh” là chắc chắn xảy ra.

Do đó, việc thay đổi tư duy là điều hết sức cần thiết trước khi quyết định nhận nhượng quyền một thương hiệu. Bởi hiện nay, nhiều người vẫn xem nhượng quyền thương mại như một cách để kiếm tiền nhanh chóng, đó là một cách tiếp cận sai lầm.