Nợ công của Việt Nam có an toàn không?
(Tài chính) Kế hoạch vay và trả nợ nước ngoài năm 2014 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chắc chắn sẽ làm “nóng” diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tỏ ra khá lạc quan về tình hình nợ công hiện nay.
Phóng viên: Nợ công tăng từ 54,9% GDP năm 2011 lên 55,7% vào năm 2012 và 56,2% vào năm 2013 đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội lo ngại. Còn ông thì sao?
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Đứng bên ngoài nhìn vào, người ta có thể suy diễn, người mặc comple rất nóng, còn người mặc áo sơ-mi rất lạnh.
Tôi thì nghĩ rằng, nóng hay lạnh là do cơ địa của từng người. Đó là chưa kể, người mặc áo sơ-mi có thể còn mặc thêm áo khác nữa ở bên trong mà ta không nhìn thấy.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn?
Nợ công có an toàn không, có đáng lo ngại không là tùy theo cách nhận định, đánh giá của từng người. Như minh họa trên, đánh giá người này lạnh, người khác nóng là do cách nhìn nhận chủ quan.
Tương tự như bên trong cái áo ngoài, ta không biết họ mặc áo gì nữa, thì bên trong con số nợ công so với GDP mà mọi người hay đề cập còn nhiều chỉ số để đánh giá nợ công có an toàn không, như nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách, nợ nước ngoài/GDP, trả nợ nước ngoài/kim ngạch xuất khẩu, nợ chính phủ/GDP, nợ chính phủ/thu ngân sách…
Nợ công so với GDP là 54,9%; 55,7%; 56,2% hay con số tuyệt đối vay và trả nợ nước ngoài năm 2014 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là vay trong nước 367.000 tỷ đồng, trả nợ của Chính phủ là 208.883 tỷ đồng; kế hoạch rút vốn vay nước ngoài là 4.520 triệu USD (tương đương 95.800 tỷ đồng) chỉ có ý nghĩa tương đối trên phương diện thống kê và để so sánh năm này với năm khác, chứ ít có ý nghĩa để khẳng định là nợ công có an toàn hay không.
Trên thế giới cũng vậy. Con số nợ công so với GDP không có nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn, tại Nhật Bản và Hoa Kỳ, nợ công đã xấp xỉ hoặc vượt GDP, nhưng chưa tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm quốc tế nào đánh giá nợ công của Nhật Bản, Mỹ rơi vào vùng nguy hiểm. Thậm chí, các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế vẫn xếp hệ số an toàn về tài chính của Chính phủ Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu khác ở mức cao nhất.
Nghĩa là đánh giá nợ công an toàn hay không phải căn cứ vào việc người vay có trả nợ được hay không, thưa ông?
Đúng vậy. Để đánh giá độ an toàn của nợ công hay bất cứ khoản nợ nào khác, kể cả nợ của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, điều quan trọng nhất là người vay có sử dụng tiền vay đúng mục đích không, có hiệu quả không, có khả năng trả nợ theo đúng cam kết hay không.
Ví dụ, tổ chức tín dụng cho khách hàng nào đó vay vài tỷ đồng sẽ rất lo lắng nếu tiền vay được đầu tư không đúng mục đích, hoặc tình hình tài chính của khách hàng vay gặp khó khăn. Ngược lại, tổ chức tín dụng cho khách hàng khác vay hàng trăm tỷ đồng, song hoàn toàn không lo lắng, nếu khoản vay được đầu tư đúng mục đích, dự án đầu tư hiệu quả, tiềm lực tài chính của khách hàng tốt…
Trở lại vấn đề nợ công, với tình hình kinh tế như hiện nay, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, theo ông, nợ công của nước ta có an toàn không?
Về lý thuyết, theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, với những nước có trình độ phát triển, quy mô nền kinh tế tương đồng như Việt Nam thì nợ công tối đa là 65% GDP, nợ nước ngoài tối đa là 50% GDP.
Nếu so với 2 tiêu chí này thì nợ công của nước ta vẫn còn khá an toàn, vì nợ nước ngoài năm 2013 chỉ tương đương 39,5% GDP, giảm so với con số 41,1% GDP của năm 2012 và 41,5% GDP của 2011. Còn nợ công so với GDP trong 3 năm qua đúng là tăng liên tục, từ 54,9% GDP năm 2011 lên 55,7% vào năm 2012 và 56,2% vào năm 2013, nhưng vẫn dưới ngưỡng cảnh báo (65% GDP).
Vấn đề quan trọng nữa là, tất cả các khoản vay đều sử dụng đúng mục đích, nguồn thu ngân sách luôn bảo đảm để trả nợ, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng liên tục. Đến thời điểm này, các báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua cho thấy, Việt Nam luôn thực hiện đúng hạn, đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Chưa có chủ nợ nước ngoài nào than phiền rằng, Việt Nam chậm trễ trong việc trả nợ hoặc lo lắng về khoản tiền mà họ đã cho vay.
Nợ công thường “nóng” lên mỗi khi có số liệu mới nào đó được công bố, theo tôi, phần nhiều do các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra số liệu về nợ công nào đó, thường là nợ công so với GDP, mà không liên kết được với các chuỗi số liệu có liên quan mật thiết khác, như nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách, nợ nước ngoài/GDP, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/tổng kim ngạch xuất khẩu, nợ chính phủ/thu ngân sách…, khiến người đọc có cái nhìn chưa thật sự khách quan về vấn đề này.