Nợ công vẫn trong mức an toàn

Theo chinhphu.vn

Bộ Tài chính cho biết, nợ công của Việt Nam năm 2009 ở mức 52,6% GDP, vẫn trong mức an toàn.

Tuy nhiên, chúng ta cần tăng cường khả năng giám sát các khoản nợ, trong đó chú ý cả đến những khoản nợ của doanh nghiệp.  Đó cũng là ý kiến của đa số các đại biểu tại Hội thảo "Nợ công - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" do Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển của LHQ (UNDP)  tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Nợ công vẫn trong "ngưỡng" cho phép

Theo Luật quản lý nợ công, có hiệu lực từ 1/1/2010, nợ công được tính gồm cả nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương thì năm 2009, mức nợ là 52,6% GDP.

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ công và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ nợ chính phủ là 41,9% so với GDP. Con số này cho thấy các mức nợ hiện nay của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng cho phép.

Đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng vẫn có “khoảng không gian dự phòng cần thiết” để đề phòng rủi ro. 

Về cơ cấu nợ, 60,3% là vay ODA, trong đó có nhiều khoản vay lãi suất ưu đãi, thời gian có khi lên tới 40 năm; ân hạn 10 năm với lãi suất thấp. Còn lại 29,8% là trái phiếu trong nước.

Lãi suất trung bình nợ chính phủ khá khả quan, giảm dần qua các năm, ví dụ, đối với nợ trong nước, lãi suất năm 2007 là 11% đã giảm xuống còn 9,5% năm 2009; lãi suất nợ nước ngoài không thay đổi nhiều, từ 1,8% năm 2007, chỉ tăng lên 1,9% vào năm 2009.

Về cơ cấu ngoại tệ tiền vay cũng khá đa dạng. Tỷ lệ này cũng không sai lệch nhiều với nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu của Việt Nam.

Không chủ quan về "ngưỡng" nợ

Đại diện Thường trú cao cấp của IMF tại Việt Nam ông Benedict Bingham cho biết không nên dựa quá nhiều vào “ngưỡng nợ” bởi vì các cấu phần và tính bền vững của nợ là những vấn đề không kém phần quan trọng. Quan trọng hơn là phạm vi, quy mô và chất lượng nợ thực chất như thế nào, bao nhiêu phần trăm để thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn, dài hạn.

Ngay cả đối với đa số các nước trên thế giới, khi nói doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm với khoản nợ của mình, nhưng thực tế, chính phủ vẫn là cơ quan cuối cùng giải quyết hậu quả nếu xảy ra khủng hoảng hệ thống tài chính.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội,  Việt Nam có công khai các khoản nợ, nhưng vấn đề chỉ đáng lo ngại khi khoản vay đó đầu tư vào những dự án không hiệu quả.

Đa số các đại biểu cho rằng, khi nền kinh tế gặp khó khăn thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã giải quyết tốt các khoản nợ và việc hoàn thiện công tác công khai, cải tiến công tác thống kê và tăng cường năng lực giám sát nợ công sẽ làm tăng uy tín về tín dụng của Việt Nam trên trường quốc tế.