Nợ đọng bảo hiểm tiếp tục gia tăng
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện tình hình nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm đang tiếp tục gia tăng và xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước dù ngành này đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế, ngăn ngừa.
Nợ đọng hơn 13 nghìn tỷ đồng
Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2016, nợ bảo hiểm là hơn 13 nghìn tỷ đồng, chiếm 6% số phải thu. Trong đó, nợ BHXH bắt buộc là 8.987 tỷ đồng (3.351 tỷ đồng là số nợ BHXH kéo dài trên 6 tháng); nợ bảo hiểm y tế (BHYT) là 3.653 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 481 tỷ đồng, ngân sách địa phương nợ tiền hỗ trợ quỹ BHTN trước năm 2015 là 27 tỷ đồng.
Không chỉ nợ của các đơn vị khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà còn của các đơn vị khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có lãi vẫn cố tình nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền của người lao động (trừ tiền lương) nhưng chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác không nộp vào quỹ.
Việc tiếp tục gia tăng nợ đọng bảo hiểm đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến quỹ mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn và chậm đóng bảo hiểm chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm. Trong khi đó, người lao động không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình vì sợ mất việc làm. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp lại hết sức hạn chế, không thường xuyên.
Phối hợp giám sát liên ngành
Nhằm giải quyết tình trạng nợ đọng bảo hiểm hiện nay, tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ với báo chí mới đây, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, ngành này sẽ quyết liệt phối hợp với các cơ quan gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ giám sát liên ngành liên quan đến thực hiện pháp luật về BHXH tại các địa phương.
Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức đối với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chủ sử dụng lao động và người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH.
Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan thuế; kế hoạch và đầu tư; ban quản lý các khu công nghiệp; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp về đăng ký doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp thuế từ đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra đôn đốc doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động. Kiên quyết xử lý đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về BHXH.
Với quyết tâm đặt ra, ngành BHXH kỳ vọng, 3 tháng cuối năm sẽ đưa dư nợ BHXH, BHYT, BHTN còn 3,5%, bằng với dư nợ 2015, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm.
Nhằm ngăn ngừa nợ BHXH, thời gian tới ngành BHXH Việt Nam sẽ công khai thông tin về các đơn vị trốn đóng, nợ tiền BHXH số lượng lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi trực tiếp đến tổ chức công đoàn hoặc đại diện người lao động.