Mở đường cho doanh nghiệp đến công nghệ mới
Thiếu vốn, áp lực lãi suất hoặc lo chậm hoàn vốn vẫn là thách thức lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt khi muốn mua máy móc, thiết bị mới từ nước ngoài. Tình trạng chung của nhiều DN hiện nay là nguồn vốn tự có rất hạn hẹp, không đủ sức để đầu tư công nghệ mới. Nhưng trước áp lực cạnh tranh hoặc những thay đổi về mặt chính sách, các DN nội càng không thể “đứng ngoài lề” trước máy móc mới.
Có thể lấy trường hợp các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất gạch làm điển hình về nhu cầu mua máy móc mới rất cấp thiết hiện nay.
Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng dường như đang hối thúc các DN ngành hàng này với phương pháp thủ công, công nghệ cũ phải thay đổi bằng việc đầu tư các loại máy móc sản xuất vật liệu xây dựng không nung.
Nỗi lo vốn mỏng
Điều đáng nói, Thông tư này (có hiệu lực từ đầu tháng 2/2018) nêu rõ các công trình xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung. Trong đó, ở Hà Nội và Tp.HCM phải sử dụng 100%, các tỉnh, thành phố còn lại phải sử dụng tối thiểu 50 – 70%.
Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất thiết kế 3 loại sản phẩm chính của vật liệu xây dựng không nung ở Việt Nam chỉ mới chiếm hơn 24% so với tổng sản lượng vật liệu xây dựng.
Để nâng tỷ lệ này lên 30 – 40% vào năm 2020 vẫn là thách thức lớn khi nhiều DN còn ngán ngại bỏ tiền ra mua máy móc mới để sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Mặc dù theo dự báo về thị trường tiêu thụ gạch là rất lớn, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng là hơn 50 tỷ viên/năm.
Như tại buổi gặp gỡ giới DN vật liệu xây dựng ở TP. Hồ Chí Minh vào cuối tuần qua nhằm giới thiệu về loại máy ép gạch không nung của hãng Stonemaker (Canada) do công ty phân phối độc quyền tại Việt Nam là Ibenetor tổ chức, nhiều DN bày tỏ sự quan tâm về mặt công nghệ mới nhưng cũng băn khoăn là giá cả loại máy móc này có giúp họ nhanh hoàn vốn.Nhất là khi nguồn vốn của những DN nhỏ và vừa còn khá khiêm tốn, cộng thêm áp lực về lãi suất vốn vay để có thể mua những máy móc từ các quốc gia tiên tiến như Canada, Mỹ hay EU.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Lê Minh Trung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DN TP. Hồ Chí Minh, cho biết theo chương trình kích cầu đầu tư, TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ DN về mặt lãi suất cho những dự án đầu tư vào những công nghệ mới, tiên tiến.
“Do đó, phía Trung tâm khuyến cáo các DN nên lựa chọn những máy móc mới, hiện đại nhằm giúp mang lại giá trị gia tăng, giảm chi phí vận hành cũng như tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Điều này sẽ tốt hơn so với việc DN mua máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu sẽ gây khó trong quá trình cạnh tranh”, ông Trung nhấn mạnh.
Trên thực tế, theo giới chuyên gia, việc cho DN vay vốn để đầu tư mua máy móc thiết bị mới vẫn còn nhiều vấn đề bàn cãi, nhất là tài sản thế chấp. Việc thế chấp bằng chính máy móc thiết bị mà DN đã mua được cho là vẫn còn nhiều rủi ro trong trường hợp DN kê giá lên cao.
Chờ khơi thông chính sách
Cho nên, khi cho vay để DN mua máy móc mới, phía ngân hàng lại muốn thế chấp thêm bằng tài sản đảm bảo là bất động sản, trong khi không phải DN nào cũng có thể đáp ứng được. Và vòng lẩn quẩn này làm DN chần chừ mỗi khi nghĩ đến việc đầu tư cho công nghệ, thiết bị mới tiên tiến.
Được biết, trong vấn đề thay đổi về mặt chính sách, áp lực tăng lương cho người lao động cũng là một phần nguyên nhân để DN trong những lĩnh vực vốn thâm dụng lao động tập trung đầu tư vào những thiết bị, máy móc mới nhằm tăng tính tự động, giảm thiểu lao động, vừa nâng được năng suất để tăng cạnh tranh.
Tuy nhiên, để nhanh hoàn vốn, không ít DN vẫn mua các thiết bị, máy móc mới có chất lượng trung bình nhập khẩu từ Trung Quốc. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy hồi năm 2017, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch 10,87 tỷ USD (tăng 16,8% so với năm 2016). Xếp sau là Hàn Quốc với 8,63 tỷ USD (tăng 46,6%), Nhật Bản với 4,26 tỷ USD (tăng vỏn vẹn 2,2%).
Một câu hỏi được đặt ra là sau khi có chính sách cấm nhập khẩu máy móc cũ quá 10 năm tuổi, liệu có hay không xu hướng DN quay sang nhập máy móc mới giá rẻ từ Trung Quốc mà chất lượng, công nghệ mới, tuổi thọ máy chưa thật sự đảm bảo?
Ông Trung cho rằng đây không phải là xu hướng mà là những trường hợp đơn lẻ của vài DN và tuỳ theo nhu cầu sử dụng mà đôi khi DN chỉ cần những máy móc có tuổi thọ trong một khoảng thời gian nhất định. Còn thực chất, DN sẽ lựa chọn những máy móc, công nghệ phù hợp theo nhu cầu sản xuất kinh doanh của họ. DN là những nhà đầu tư, nên buộc họ phải có những lựa chọn sáng suốt hơn.
Có lẽ cũng nên lấy trường hợp Nước giải khát Chương Dương để làm bài học nhãn tiền cho các DN nội về việc chậm chạp đổi mới công nghệ, máy móc hiện đại. Từ một thương hiệu lớn, hãng giải khát nội địa này thời gian qua rơi vào kinh doanh khó khăn, thua lỗ.
Lý do là DN này loay hoay với công nghệ cũ từ những năm 2000 tốn kém nhiều nhân công, giá thành sản phẩm tăng, kém cạnh tranh. Họ cũng không đưa ra được thị trường các dòng sản phẩm mới đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Có thể thấy, thất bại thị trường khiến nhiều DN nội không sẵn sàng đầu tư máy móc, công nghệ mới. Cho nên, về phía các cơ quan quản lý cần khuyến khích hơn nữa việc đổi mới công nghệ trong DN, đặc biệt là từ Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia. Chính sách cũng nên khơi thông từ việc miễn thuế nhập khẩu công nghệ tiên tiến cho đến dòng vốn vay sớm đến tay DN…