Nợ xấu của ngân hàng HSBC cao nhất trong chín năm do dịch COVID-19
HSBC ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3,2 tỷ USD trong quý I/2020, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái do tổn thất tín dụng từ những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngân hàng HSBC ngày 28/4 cho biết, lợi nhuận trước thuế trong quý I/2020 đã giảm gần một nửa do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giữa lúc HSBC đang triển khai chương trình tái cơ cấu lớn.
HSBC ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3,2 tỷ USD trong quý I/2020, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nguyên nhân chính là do tổn thất tín dụng từ những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cụ thể, tổn thất tín dụng được dự kiến trong quý I năm nay của HSBC là 3 tỷ USD, nhiều hơn 2,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019 và cũng là lượng nợ xấu lớn nhất của ngân hàng này trong gần chín năm qua.
HSBC cảnh báo nợ xấu sẽ còn gia tăng nếu dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, đồng thời dự đoán tổn thất tín dụng từ khách hàng trong năm 2020 có thể lên đến 7-11 tỷ USD.
Trước khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, HSBC đã công bố kế hoạch cắt giảm chi phí 4,5 tỷ USD đến năm 2022, với chi phí tái cơ cấu khoảng 6 tỷ USD.
Đây là kế hoạch tái cơ cấu tham vọng nhất của HSBC kể từ năm 2012.
Trước đó trong năm nay, ngân hàng này đã công bố kế hoạch cắt giảm 35.000 việc làm ở những mảng ít sinh lời hơn, chủ yếu ở Mỹ và châu Âu. Nhưng dịch COVID-19 đã cản trở quá trình tái cơ cấu này.
Jackson Wong, chuyên gia phân tích của công ty Amber Hill Capital, cho rằng con số lợi nhuận nói trên của HSBC là một trong những kết quả tồi tệ nhất của ngân hàng này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và làm trì hoãn một phần kế hoach tái cơ cấu có thể giúp giảm chi phí.
Tháng trước, HSBC là một trong số những ngân hàng hủy kế hoạch chia cổ tức và mua lại cổ phiếu theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Anh.
Động thái này nằm trong nỗ lực nhằm tăng lượng tiền mặt dự trữ để đối phó với khủng hoảng kinh tế, nhưng lại gây bất bình trong số các nhà đầu tư ở châu Á, nơi tạo ra khoảng 90% lợi nhuận của HSBC.