Nợ xấu đe dọa giết chết nền kinh tế Trung Quốc?
(Tài chính) Nếu như cuộc khủng hoảng nợ ngày càng kéo dài, nó sẽ đẩy Trung Quốc rơi vào “thập kỷ mất mát” khó có thể cứu vãn.
Trong vài năm trở lại đây, kinh tế Trung Quốc bắt đầu xuất hiện mầm mống của khủng hoảng. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ Paul Krugman (từng đạt giải Nobel kinh tế năm 2008) đưa ra dự báo cho rằng thời kỳ “vết xe Nhật Bản” đang đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc. Tuần trước, các nhà phân tích tài chính thuộc ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ đặt ra câu hỏi liệu có phải Trung Quốc sẽ sớm đi theo vết xe đổ của Nhật Bản. Câu trả lời là có, và hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ lớn hơn rất nhiều so với nỗi lo của Krugman.
Năm 1992, các chuyên gia phân tích của Merrill Lynch đã sớm nhận ra dấu hiệu của những “bong bóng kinh tế” làm tê liệt nền kinh tế Nhật Bản. Và bây giờ, những dấu hiệu tương tự đang diễn ra ở Trung Quốc: hệ thống tài chính thiếu vốn, tăng trưởng mất cân đối và năng lực sản xuất dư thừa không hiệu quả … Thậm chí, hiện nay Trung Quốc còn phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn so với Nhật Bản những năm 1990.
Đáng lo ngại nhất là khu vực ngân hàng. Vấn đề khiến các nhà phân tích của Merrill Lynch lo lắng là Bắc Kinh thiếu các hành động thực sự hiệu quả trong khi nguy cơ và tốc độ phát triển nợ xấu của Trung Quốc hiện cao hơn Nhật Bản rất nhiều. Tỷ lệ nợ xấu đang được cho là đã chạm ngưỡng hai con số.
Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại tại các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã lớn hơn cả năm 2013. Hãy nhớ rằng điều này xảy ra ngay cả khi chính phủ Trung Quốc khẳng định rằng họ đang giải quyết tình trạng mất cân bằng trong hệ thống tài chính. Tháng 7 vừa qua, tổng vốn tài trợ xã hội (chỉ số thể hiện mức độ nợ xấu) vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và lớn hơn tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa. Nói cách khác, trong những năm gần đây, Trung Quốc đang tích lũy nợ xấu và tạo ra bong bóng kinh tế, thay vì kiềm chế nó.
Nếu như điều này xảy ra vào những năm 1992, Trung Quốc hoàn toàn có thể yêu cầu các ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước thắt chặt chi tiêu và giảm thiểu tác động tới tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bước qua giới hạn sau sự sụp đổ của Tập đoàn tài chính Lehman Brothers vào năm 2008, khi nước này tung ra một gói kích thích tiền tệ trị giá 652 tỷ USD. Hành động này góp phần đẩy kinh tế Trung Quốc “lún sâu vào vũng bùn lầy”, theo cách nói của ông chủ quỹ đầu cơ đến từ New York James Chanos. “Nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục mở rộng hạn mức tín dụng như hiện nay, chắc chắc nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả. Không những thế, tình trạng mất ổn định xã hội cũng sẽ gia tăng”.
Trung Quốc sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng khó khăn mà người láng giềng Nhật Bản đã từng trải qua vào năm 1997, khi công ty chứng khoán Yamaichi có lịch sử hơn 100 năm hoạt động tại quốc gia này sụp đổ và đe dọa biến khủng hoảng tài chính châu Á thành một cuộc khủng hoảng có quy mô toàn cầu. Thay vì làm rõ tính chất nghiêm trọng của vấn đề nợ xấu, Nhật Bản cố gắng chạy đua để vực dậy hệ thống ngân hàng với những gói cứu trợ lớn và ưu tiên cắt giảm lãi suất. Các nhà lãnh đạo ở Tokyo lo ngại bị “mất mặt” khi các đối tác Washington, London và Brussels biết được nguyên nhân vì sao họ phá sản. Các hành động của Nhật Bản, bao gồm cả việc rót thêm tiền vào ngân sách nhà nước và yêu cầu các ngân hàng lớn vực dậy một số ngân hàng nhỏ, đều khiến cho nước này lún sâu hơn vào “thập kỷ mất mát”.
Trung Quốc có 4.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối để giải quyết vấn đề nợ xấu. Tuy nhiên, bất cứ động thái nào biến số trái phiếu kho bạc Mỹ, nợ của châu Âu và trái phiếu Nhật mà Trung Quốc đang nắm giữ thành tiền mặt cũng sẽ khiến thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển. Trung Quốc sụp đổ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường hàng hóa thế giới cũng như tất cả các ngành, từ sản xuất đến công nghệ cao. Các nước phụ thuộc vào xuất khẩu, từ Úc đến Nhật Bản và Brazil, đều sẽ bị ảnh hưởng. Rất có thể, đây sẽ là một cú đánh bất ngờ với nền kinh tế Mỹ cũng như châu Âu vốn đang ngày càng mong manh.
Các ngân hàng Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng tín dụng. Tháng trước, các khoản vay mới bằng đồng nội tệ tăng lên 114 tỷ USD (gần gấp đôi so với 63 tỷ USD vào tháng 7) trong khi cung tiền M2 tăng trưởng 12,8% so với 1 năm trước đó. Với sản lượng công nghiệp tăng trưởng yếu nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, các chuyên gia kinh tế đều dự đoán Trung Quốc sẽ tung ra các biện pháp kích thích mới nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5%.
Điều Trung Quốc nên làm là tiến hành giải chấp ngay lập tức. Mặc dù chính phủ đã để một vài doanh nghiệp vỡ nợ và phá sản, các doanh nghiệp lớn vẫn chưa được phép làm điều này. Trung Quốc cần hạn chế tăng trưởng tín dụng và kìm hãm ngân hàng trong bóng tối - khu vực vốn bùng nổ từ năm 2008.
Trong khi Trung Quốc vẫn chưa có động thái cụ thể nào trong việc giải quyết nợ xấu, kinh nghiệm của Nhật Bản đã chứng minh, phát triển bền vững về kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào một hệ thống ngân hàng ổn định. Nếu như cuộc khủng hoảng nợ ngày càng kéo dài, nó sẽ đẩy Trung Quốc rơi vào “thập kỷ mất mát” khó có thể cứu vãn.