Nợ xấu và tương lai của sự sáp nhập
(Tài chính) Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, đến đầu năm nay, nợ xấu đã giải quyết bước đầu quan trọng là giải tỏa được áp lực thanh khoản cho các ngân hàng. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo, một số tổ chức tín dụng (TCTD) đang chạy đua trong chặng cuối về đích hợp nhất sáp nhập có thể sẽ phát sinh nợ xấu và có nhu cầu cần bán cho VAMC trong những tháng tới.
Vào mùa Đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng đều công bố nợ xấu giảm dưới 3% - ngưỡng an toàn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đơn cử, Sacombank nợ xấu đến cuối tháng 3 năm nay chỉ vào khoảng 1,44% và kế hoạch cả năm sẽ dưới 3%. SCB là ngân hàng đầu tiên hợp nhất cũng công bố nợ xấu còn 1,7%, dù trong quý I/2014, khả năng chi trả trong vòng 7 ngày chưa đạt yêu cầu theo quy định của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN). NamA Bank cũng kéo nợ xấu trong 3 tháng đầu năm nay xuống mức 1,3% tổng dư nợ, nhiều ngân hàng khác đều báo cáo trước cổ đông tỷ lệ nợ xấu rất an toàn…
Đánh giá tình hình nợ xấu ở TP. Hồ Chí Minh là khả quan, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh thành phố cho biết, đơn vị này đang đôn đốc các TCTD tổng hợp những hồ sơ nợ xấu đủ điều kiện bán cho VAMC để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp DN và các ngân hàng thương mại (NHTM).
Trong một diễn biến khác, mới đây NHNN chi nhánh thành phố báo cáo với UBND TP. Hồ Chí Minh có đến 70% số nợ xấu có khả năng mất vốn. Trước đó, thống kê của ngành ngân hàng thành phố cho thấy: nợ xấu tính đến cuối tháng 3/2014 vào khoảng 44.700 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng dư nợ. Theo phân tích của cơ quan quản lý, sở dĩ nợ xấu trên địa bàn giảm nhanh trong thời gian qua ngoài các nghiệp vụ xử lý bằng dự phòng rủi ro, bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, giãn nợ…
Riêng phần các ngân hàng đã bán nợ xấu cho VAMC trong năm 2013 đạt khoảng 12.300 tỷ đồng, trong đó khối NHTM cổ phần bán nợ đến gần 10.000 tỷ đồng. Song, ở phía các Công ty tài chính thì đến cuối tháng 3 chưa có khoản nợ xấu nào bán được cho VAMC. Điều này lý giải vì sao con số nợ xấu do các NHTM tự công bố lại chênh lệch với số liệu từ Cơ quan thanh tra!
Nợ xấu được giải quyết nhanh nhờ công cụ bán nợ, mặc dù Công ty VAMC mới chỉ hoạt động khoảng 7 tháng qua, nhưng đã giải phóng khỏi bảng cân đối kế toán được một khối lượng nợ đọng nhất định. Thực tế những khoản nợ xấu mà VAMC mua đã từng có lãi suất trên 18%/năm, tuy nhiên đã có thời điểm chủ nợ là các NHTM đã giảm lãi suất xuống dưới 15%/năm nhưng con nợ không có khả năng trả vốn chứ chưa nói đến trả lãi. Trong tháng 4/2014, VAMC đã thực hiện giảm lãi suất đối với những khoản nợ tiền đồng xuống còn 10,7%/năm và lãi suất nợ USD giảm xuống còn 5,2%/năm và 5,7%/năm đối với Euro. Điều này đồng nghĩa có sự hỗ trợ đáng kể với các DN có số tài sản xấu mà VAMC đang cầm giữ.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, đến đầu năm nay, nợ xấu đã giải quyết bước đầu quan trọng là giải tỏa được áp lực thanh khoản cho các ngân hàng. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo, một số TCTD đang chạy đua trong chặng cuối về đích hợp nhất sáp nhập có thể sẽ phát sinh nợ xấu và có nhu cầu cần bán cho VAMC trong những tháng tới.
Chẳng hạn, khi Southern Bank sáp nhập với Sacombank trong thời gian tới, TCTD hợp nhất này sẽ dư ra một khoản nợ xấu của ngân hàng sau hợp nhất cần phải bán ra. Nếu không bán được cho VAMC, có thể Sacombank sẽ phải dành ra khoảng 1.589 tỷ đồng, chiếm 38% lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng này, để trích lập dự phòng cho những khoản nợ của Southern Bank. Chưa kể quản trị thiếu hiệu quả của ngân hàng sáp nhập có thể sẽ tạo ra thêm gánh nặng cho Sacombank ít nhất vài năm sau.
Gánh nặng nợ đối với ngân hàng sáp nhập cũng là nỗi niềm riêng của những NHTM hàng đầu như Vietcombank, VietinBank… sẽ phải ra tay “cứu vớt” một vài TCTD cổ phần trong công cuộc tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới. Những người trong cuộc tin rằng, thương vụ ngân hàng UOB (Singapore) nếu được chấp thuận cho mua toàn bộ GPBank để sử dụng làm chi nhánh của họ ở Việt Nam, khi ngã giá thành công, sẽ được kỳ vọng là một cuộc “hôn phối” hiệu quả nhất trên thị trường mua bán nợ Việt Nam. Bởi phần vốn của cổ đông DN Nhà nước trong GPBank khoảng 20% được thu về sẽ ít gây hao tổn cho ngân hàng đứng ra mua phần còn lại.
Thị trường mua bán nợ xấu ngân hàng được nhìn nhận sẽ giải quyết căn bản trong năm 2014. Sau đây sẽ chỉ còn những NHTM phải đối diện với những khoản nợ đã bán cho VAMC. Thế nhưng, để tạo lập một thị trường thứ cấp cho VAMC bán nợ xấu đã mua đủ hấp dẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh các khung pháp lý cho thị trường giao dịch thì bản thân các ngân hàng và DN có khoản nợ xấu đã bán cho VAMC phải cùng nỗ lực, phục hồi sản xuất kinh doanh thì mới tháo gỡ những khó khăn cho dòng tín dụng luân chuyển trở lại bình thường.