Nợ xấu vẫn khó xử lý
(Taichinh) - Hiện có gần 70% nợ xấu liên quan đến bất động sản và hầu hết được đảm bảo bằng bất động sản. Muốn xử lý được tài sản đảm bảo, ngân hàng trước hết phải giữ được tài sản đảm bảo, song việc này rất khó, bởi con nợ thường bất hợp tác. Câu hỏi đặt ra là nên làm như thế nào để hạn chế và thu hồi nợ xấu?
Theo VAMC, nợ xấu tính tới hết tháng 12/2014 của các tổ chức tín dụng là khoảng 309.000 tỷ đồng. Cùng thời gian, VAMC đã mua được 133.555 tỷ đồng dư nợ gốc với giá 108.652 tỷ đồng. Trong đó, nợ bất động sản chiếm hơn 67% (tương đương 83.000 tỷ đồng); vay kinh doanh chiếm 25,7% (tương đương 31.900 tỷ đồng). Về hoạt động bán nợ, VAMC đã bán 68 khoản với giá trị nợ gốc là 2.306 tỷ đồng, thu về 1.773 tỷ đồng; bán tài sản đảm bảo thu về 490 tỷ đồng.
Vấn nạn nợ xấu
Theo một số chuyên gia, tình trạng nợ xấu đang gia tăng bởi ba nguyên nhân chủ yếu: một là các vụ án lớn về ngân hàng và việc xử lý các ngân hàng yếu kém; hai là từ khi có thông tư 02 và 09 của ngân hàng nhà nước về phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro có hiệu lực.
Thông tư 02 và 09 theo sát chuẩn mực quốc tế, từ đó tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch hơn; thứ ba là hoạt động của các doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh không hiệu quả, họ giải thể, ngưng hoạt động, họ vay ngân hàng không có khả năng trả nợ làm cho nợ xấu ngân hàng tăng lên.
Trong khi đó, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 9, Tp.HCM phải kéo giảm nợ xấu còn từ 3% trở xuống. Do đó, để thực hiện được mục tiêu này, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã giao cho các hội sở chính của các ngân hàng từ nay đến cuối tháng 9 phải xử lý hơn 25.300 tỷ đồng. Trong đó, phân chia ra 3.100 tỷ các ngân hàng phải tự xử lý và 22.200 tỷ phải bán nợ cho VAMC.
Bên cạnh đó, ngân hàng phải bán tài sản thế chấp để xử lý nợ. Đối với việc bán nợ cho VAMC 22.200 tỷ đồng đến nay các ngân hàng mới chỉ bán được 3.000 tỷ, tỷ lệ này còn thấp nhưng đến 31/7 các ngân hàng bắt buộc phải bán xong cho VAMC.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng tự xử lý nợ xấu. Nếu các ngân hàng không xử lý được phải bán nợ cho VAMC. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV công tyVAMC, để VAMC xử lý được nợ xấu thì cần phải trao cho VAMC một số quyền, như quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quyền đề nghị khởi tố nếu khách hàng không trả nợ, quyền đấu giá tài sản đảm bảo không cần người vay đồng ý. Tuy nhiên, điều này lại trái với hầu hết các luật dân sự hiện hành.
Theo đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tại Tp.HCM: Cái khó nhất trong quá trình xử lý nợ xấu là xử lý tài sản đảm bảo, quá trình này thường mất rất nhiều thời gian, nhanh nhất cũng mất 2-3 năm. Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị nhiều năm và đề nghị đẩy nhanh tiến trình này để hỗ trợ giải quyết nhanh cho việc xử lý tài sản thế chấp để giải quyết khó khăn về tài chính cho các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp. Thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cơ quan tư pháp, tòa án cũng đã phối hợp tốt để giải quyết vấn đề này.
Nợ xấu xử lý thế nào?
Ngoài cái khó trên thì khi ngân hàng tới thu, bên nợ thường viện dẫn các lý do như: bên thứ ba chưa thanh toán, đang trong quá trình phê duyệt để thanh toán,… để chậm thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng. Mặt khác, doanh nghiệp với tâm lý chờ bên nợ thanh toán thường ngần ngại trong việc nhắc nhở bên nợ.
Theo một chuyên gia kinh tế, với 300.000 tỷ đồng nợ xấu không phải vấn đề lớn, khi các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro được 150.000 tỷ đồng, số còn lại VAMC có thể xử lý được. Trong khi đó nhiều lãnh đạo ngân hàng không sức đâu đi kiện tụng. Vì từ khi khởi kiện tới khi thi hành án cũng phải 1 - 2 năm, thậm chí 10 năm.
Trong khi đó, một số luật sư lại cho rằng, với các quy định hiện hành, ngày càng nhiều doanh nghiệp chây ỳ bởi càng chây ỳ càng có lợi. Pháp luật phải bảo vệ người yếu thế và người bị hại, nhưng ở nước ta đang có thực tế bất cập là, người vay không trả được nợ thì họ không sao cả, thậm chí càng chây ỳ càng có lợi. Ngân hàng đến thu giữ tài sản đảm bảo theo quy định thì họ bị con nợ cản trở, chống đối và đôi khi lại được dư luận bênh vực. Điều này khiến bên nợ có lợi thế để chây ỳ nợ xấu.
Một thực tế nữa đang diễn ra là lãi suất vay ngân hàng là 10%/năm, lãi suất quá hạn cao nhất là 15%/năm. Tuy nhiên, khi kiện ra tòa, theo Luật Dân sự, số lãi suất chậm trả chỉ phải mất 9%/năm, lãi suất này thấp hơn cả lãi vay và lãi quá hạn. "Rõ ràng, con nợ càng chây ỳ càng có lợi.
Theo nhiều chuyên gia, để có thể thu hồi nợ xấu cách tốt nhất là bán và trao quyền lại cho VAMC. Với việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC, đó chỉ là cho tất cả vào kho, chưa theo nguyên tắc thị trường. Nhưng đó là cách làm duy nhất, khi ngân sách không có để xử lý.