Cần trao VAMC cơ chế đặc biệt để xử lý nợ xấu
(Taichinh) - Tính đến tháng 4.2015, nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cơ bản đã xử lý được 312 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tương đương 67% nợ xấu vào thời cao điểm nhất là tháng 9.2012. Trong đó, các ngân hàng thương mại dự phòng rủi ro được khoảng 130.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều khoản nợ xấu chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là các khoản nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua vào, nhưng chưa có cơ chế để xử lý.
Nếu nhìn vào kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, đây là những kết quả tạm chấp nhận được. Nhưng ông Thành cho rằng, việc giải quyết nợ xấu vẫn cần đẩy nhanh hơn. Kinh nghiệm của thế giới để xử lý nợ xấu chỉ vỏn vẹn trong hai từ: quyết liệt và dứt điểm. Vì vậy, cần tập trung tạo cơ chế pháp lý cho VAMC xử lý nợ xấu, trong đó, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, tạo cơ chế mở hơn, quyền lực lớn hơn cho VAMC. Với bài học của các nước giải quyết nợ xấu cũng trong bối cảnh không đủ luật, sẽ hình thành một cơ chế đặc biệt trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức xử lý nợ để họ xử lý nợ xấu.
Đến nay, VAMC đã mua khoảng 161.000 tỷ đồng nợ xấu. Song, VAMC mới xử lý tài sản được khoảng 8.700 tỷ đồng, tương đương khoảng 5% số nợ mua vào, rất nhỏ so với tổng số nợ xấu đã mua. Đây cũng là con số cho thấy thách thức phía trước của VAMC, khi hồ sơ đề nghị bán nợ cho VAMC mà các ngân hàng thương mại gửi tới ngày một nhiều hơn. Viện trưởng Viện Khoa quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa Phạm Ngọc Long cho rằng, cần phải hoàn thiện cơ chế xử lý nợ. Vì thị trường mua bán nợ có cung, cầu nhưng quan hệ cung cầu chưa gặp được nhau.
Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, VAMC sẽ tiếp tục mua nợ xấu, nhưng cần trao cho VAMC cơ chế đặc biệt để xử lý khoản nợ xấu. Bởi nếu không, nợ xấu mua về sẽ nằm chết, gây thiệt hại lớn. Ông Nguyễn Quốc Hùng đưa ra ví dụ từ thực tế chuyến làm việc tại TP Hồ Chí Minh mới đây, đó là có khách hàng thế chấp tài sản vay gần 1.000 tỷ đồng, sau đó nhà cho thuê, mỗi năm thu vài trăm tỷ đồng, nhưng không trả ngân hàng đồng nào. Tuy nhiên, ngân hàng cũng không làm gì được.
VAMC có thể bán nợ xấu ra thị trường, hoặc phát mại tài sản, nhưng đều phải có cơ chế. Ông Nguyễn Quốc Hùng, cho rằng, nếu có cơ chế, chỉ cần một tháng, VAMC sẽ xử lý và thu được 10.000 tỷ đồng từ nợ xấu. Do đó, tiền để mua nợ xấu không phải là quan trọng nhất lúc này, mà cần một “chiếc gậy”, một cơ chế đặc biệt cho VAMC để xử lý nợ nhanh. Theo đó, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khách hàng vay nợ. Thứ hai, VAMC có quyền cưỡng chế như thi hành án. Thứ ba, VAMC có quyền đề nghị khởi tố nếu khách hàng vay nợ không trả. Thứ tư, VAMC có quyền đấu giá phát mại tài sản bảo đảm không cần khách hàng đồng ý hay không đồng ý.
Cũng chung quan điểm này, Phó chủ tịch UB Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước cho rằng, phải hành động quyết liệt, tạo điều kiện cho việc thành lập thị trường mua bán nợ, thanh khoản tốt hơn phần nợ do VAMC mua về.
Theo một số chuyên gia, việc cho ra đời VAMC là một bước đi chính xác của Ngân hàng Nhà nước, giúp phá băng cục nợ xấu, giúp “mạch máu” tiền tệ lưu thông. Tuy nhiên, cần sự tham gia tích cực của các tổ chức, đơn vị liên quan, từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục đến thực thi pháp luật liên quan đến tín dụng ngân hàng, đặc biệt là liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp. Các chuyên gia nhấn mạnh, cần trao cho VAMC cơ chế đặc biệt trong một giai đoạn nhất định để giải quyết nợ xấu, sau đó sẽ giải tán và kết thúc các quyền đặc biệt này.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 3,25%, giảm khá mạnh so với mức 4,17% vào tháng 6.2014. Trong báo cáo gửi ĐBQH mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, ngành ngân hàng sẽ phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm nay.