Loạt ngân hàng được nới room tín dụng quý cuối năm 2021
Dòng tiền cuồn cuộn chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng sau thông tin các nhà băng này được nới room tín dụng trong quí cuối cùng của năm 2021...
Nhiều cổ phiếu ngân hàng phiên ngày 24/11 có mức tăng trần hết biên độ cho phép như OCB tăng lên 29.950 đồng/cổ phiếu; MBB tăng lên 30.900 đồng/cổ phiếu, STB tăng lên 30.450 đồng/cổ phiếu, VIB tăng lên 44.800 đồng/cổ phiếu, EIB lên 29.400 đồng/cổ phiếu; TCB cán mốc 55.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu ngân hàng khác cũng có mức tăng mạnh trên 4% như TCB, CTG, ACB, LPB...
Không chỉ cổ phiếu ngân hàng trên sàn HSX thăng hoa mà nhiều cổ phiếu ngân hàng ở sàn UPCoM có mức tăng mạnh gồm ABB tăng 7,6% lên trên 24.000 đồng/cổ phiếu, BVB tăng 7,3% lên 26.500 đồng/cổ phiếu…
Dòng tiền đổ vào cổ phiếu ngân hàng đẩy thanh khoản nhóm này cũng tăng vọt: STB có thanh khoản vọt lên 67 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, TCB có tới 51 triệu cổ phiếu khớp lệnh và CTG thanh khoản 24,8 triệu cổ phiếu trao tay; MBB đạt thanh khoản trên 43 triệu cổ phiếu...
Theo các chuyên gia, đà tăng của cổ phiếu ngân hàng xuất phát từ thông tin hỗ trợ về việc NHNN nới hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho một số ngân hàng trong quí cuối cùng của năm 2021. Theo đó, room tín dụng của một số ngân hàng cổ phần sẽ là: VIB 20%; MSB 25%; TPB 25%; TCB 25%; VPB 17,1%…Tiếp đó, LPB được nâng room 20%; HDB là 20%; OCB 20%. Riêng nhóm Big 3 Ngân hàng TMCP Nhà nước như CTG 11,5%; VCB 14% và BID là 11,5%.
Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, thông qua việc nới room có thể thấy, một lượng lớn tín dụng sẽ được bung ra dịp cuối quý 4/2021 để phục vụ cầu tín dụng trong dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, ông Hiếu nhìn nhận để được nới room thì chất lượng tài sản của các nhà băng không quá xấu sẽ là cơ sở để NHNN cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng có chỉ số an toàn tốt...
Nhìn nhận về nhóm ngân hàng được nới room, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, trong 03 quí đầu năm nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp. KBSV đánh giá, chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại không chịu tác động bởi dịch COVID-14 lần thứ 4. Về khía cạnh tăng trưởng cho vay, với việc tốc độ triển khai tiêm vaccine diễn ra nhanh hơn dự kiến, dịch bệnh được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ, do vậy nhu cầu vốn trong nền kinh tế sẽ sớm hồi phục tương ứng với sự phục hồi ở lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng.
Số liệu từ NHNN tính đến ngày 29/10/2021 công bố, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 9,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%). Riêng khu vực Hà Nội, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với tháng 9 và tăng 10,4% so với đầu năm.
Trong khi tính đến hết quý 3/2021, tăng trưởng tín dụng nhóm các ngân hàng niêm yết đạt 7,7%. Trong đó, nhóm NHTM Nhà nước (ngoại trừ Agribank) tăng trưởng khá tốt, đạt 7,8% và nhóm NHTM cổ phần tăng trưởng tích cực hơn, đạt 8,8%.
Đặc biệt, một số NHTM có mức tăng trưởng cho vay khách hàng tốt trong 9 tháng bao gồm Techcombank, TPBank, VIB, MB và MSB. Theo đó, tăng trưởng mảng trái phiếu doanh nghiệp đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng ở nhiều ngân hàng như Techcombank, VPBank, MB và TPBank. Có thể nói, mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng tại các ngân hàng TMCP đã tiệm cận với hạn mức tín dụng được NHNN cấp mới trong quý IV/2021. Do vậy việc nới room là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay cho các nhà băng có thêm tiềm lực để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng...
Như vậy, với việc có chất lượng tài sản và chỉ số an toàn tốt trong khi room tín dụng đã cạn, thì việc NHNN sẽ sớm cấp thêm room tín dụng và tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế dự báo đạt 12% trong năm 2021. KBSV nhấn mạnh, do NHNN sẽ tiếp tục duy trì với lãi suất điều hành ở mức thấp, nên room tín dụng dự kiến sớm được nới trong thời gian tới cũng sẽ không ảnh hưởng tới lãi suất. Mặt bằng lãi suất còn rất ít dư địa để giảm thêm trong bối cảnh áp lực lạm phát dự báo sẽ cao trong những tháng còn lại của năm 2021.