Nối tiếp sứ mệnh, truyền thống vẻ vang hơn nửa thế kỷ qua

Hồng Sâm

“Với 59 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG) đã đạt được nhiều thành quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành tài chính”. - Tiến sỹ Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã chia sẻ như thế với chúng tôi nhân kỷ niệm 59 năm ngày thành lập ngành DTQG (07/08/1956 - 07/08/2015).

Thưa Tổng cục trưởng, xin ông cho biết những thành quả nổi bật của sự nỗ lực và tâm huyết; nhiệt tình và trách nhiệm của cán bộ DTQG trong 59 năm xây dựng, trưởng thành?

Nối tiếp sứ mệnh, truyền thống vẻ vang hơn nửa thế kỷ qua - Ảnh 1

TS. Phạm Phan Dũng

Trong sự phát triển chung của ngành tài chính, chặng đường dài hơn nửa thế kỷ của ngành DTQG là sự bước tiếp từ truyền thống vẻ vang, cả thời chiến lẫn thời bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó là “tích cốc phòng cơ” để phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai; đáp ứng nhu cầu của quốc phòng an ninh; góp phần ổn định kinh tế - xã hội cũng như thực hiện các nhiệm vụ khác của Chính phủ giao.

Với tên gọi ban đầu là Cục Quản lý dự trữ vật tư Nhà nước, cán bộ trong ngành đã trực tiếp quản lý lương thực, vật tư DTQG để trực tiếp xuất hàng trăm ngàn tấn lương thực, hàng ngàn xe máy các loại và nhiều thiết bị, vật tư DTQG phục vụ cho nhu cầu của chiến trường và đời sống nhân dân.

Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới với tên gọi là Tổng cục DTNN, vừa có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước các hoạt động DTQG, vừa trực tiếp quản lý một số mặt hàng dự trữ chiến lược theo phân công của Chính phủ để luôn sẵn sàng, kịp thời đáp ứng mọi tình huống đột xuất, cấp bách. Hàng năm, ngành đã xuất cấp hàng chục vạn tấn lương thực, hàng ngàn nhà bạt, phao áo, phao tròn cứu sinh, hàng trăm triệu liều vắc - xin phòng chống dịch bệnh, hàng chục ngàn tấn giống cây trồng các loại, hàng trăm ngàn lít thuốc sát trùng và các thiết bị y tế, các vât tư thiết bị quốc phòng, an ninh từ nguồn lực dự trữ quốc gia để giải quyết các biến cố về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ biên giới và hải đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, ngành còn chủ động đề xuất với Thủ tưởng Chính phủ sử dụng hiêu quả nguồn lực DTQG thông qua việc xuất hàng để hỗ trợ học sinh nghèo ở các kinh tế - xã hội đặc biết khó khăn; thực hiện tốt hoạt động cứu trợ, công tác viện trợ quốc tế.

Được biết, thời gian qua, ngành DTQG đã ghi được những “dấu son” đáng nhớ, chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành. Xin Tổng cục trưởng chia sẻ thêm về niềm vui đặc biệt này của ngành?

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2008 đến nay, ngành DTQG đã ghi được những “mốc son” đáng nhớ. Đấy chính là thành quả của cả một chặng đường.

“Dấu son” đầu tiên là hệ thống cơ chế, chính sách đã được ban hành đồng bộ tạo ra khung pháp lý về quản lý DTQG và định hướng cho hoạt động của ngành, điển hình Luật DTQG đã được Quốc hội đã thông qua, Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020 cũa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo hướng phát triển cho ngành DTQG.

“Dấu son” thứ hai là, ngành DTQG vừa từng bước rà soát, sắp xếp và đổi mới cơ cấu danh mục hàng DTQG theo hướng tập trung vào những mặt hàng chiến lược, thiết yếu vừa tận dụng các nguồn lực để tăng quy mô hàng DTQG nên chỉ trong 5 năm qua, quy mô hàng DTQG đã tăng gấp 3 lần so với năm 2008.

“Dấu son” thứ ba là tập trung củng cố và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành nên trong 5 năm gần đây có 12 dự án kho được đầu tư xây dựng mới đã hoàn thành theo từng giai đoạn, được bàn giao đưa vào sử dung, nâng tích lượng kho thêm 150.000 tấn kho.

“Dấu son” thứ tư là coi trong công tác quản lý chất lượng hàng DTQG, coi đây là một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của ngành với định hướng ưu tiên cho phát triển và ứng dụng tiến bộ KHKT vào hoạt động DTQG.

“Dấu son” thứ năm là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào khi được lệnh của cấp trên giao cán bộ ngành DTQG đều hoàn thành cứu trợ hôc trợ cho nhân dân các bị thiên tai.

Vậy còn câu chuyện xây dựng, phát triển nguồn nhân lực được Tổng cục thực hiện rất quyết liệt và cũng góp phần tích cực vào sự phát triển của DTQG như ngày hôm nay thì sao, thưa Tổng cục trưởng?

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định việc thực hiên chiến lược phát triển của ngành DTQG. ngay từ năm 2009, thấy được vai trò quan trọng của DTQG nên Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập mới thêm 4 cục DTNN khu vực, 2 cơ quan tham mưu là Cục Công nghệ thông tin và Thanh tra dự trữ; tiếp nhận trở lại nhiệm vụ quản lý muối ăn DTQG từ Bộ NN & PTNT về Bộ Tài chính.

Để xây dựng nguồn nhân lực cho ngành, một mặt phải chăm lo đến đến quyền lợi của cán bộ công chức để họ yên tâm làm nhiệm vụ thông qua trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 1.900 biên chế sự nghiệp của Tổng cục DTNN sang biên chế hành chính để thực hiện nhiệm vụ quản lý hàng DTQG (là điều kiện để số cán bộ này được hưởng 25% phụ cấp công vụ); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để đề xuất chế độ phụ cấp thâm niên cho CBCC làm công tác DTQG. Mặt khác, khuyến khích cán bộ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức toàn ngành; triển khai các chương trình ứng dụng CNTT trong công tác nghiệp vụ chuyên môn giúp cho quy trình tác nghiệp của cán bộ được chuyên môn hóa

Thưa Tổng cục trưởng, trong chặng đường mới, Tổng cục DTNN sẽ có những định hướng phát triển như thế nào để tiếp tục là một trong những đơn vị tiêu biểu, luôn có nhiều đóng góp hiệu quả, thiết thực đối với sự phát triển của ngành tài chính Việt Nam?

Với dấu mốc “70 năm ngành Tài chính Việt Nam”, trong niềm vinh dự, tự hào khi DTQG là một trong những bộ phận quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành Tài chính, chúng tôi luôn xác định và đề ra những định hướng phát triển để ngày càng đáp ứng tốt hơn những nhiệm vụ mới mà Đảng, Nhà nước giao.

Đại hội Đảng bộ cơ quan Tổng cục DTNN (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra mục tiêu phải xây dựng lực lượng DTQG có tiềm lực vững mạnh, với cơ cấu hợp lý sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác.

Để thực hiện mục tiêu đó, Tổng cục DTNN đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là: Lãnh đạo công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật về hoạt động DTQG; Tăng cường tiềm lực để phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng DTQG trong quá trình phát triển bền vững của đất nước; lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhập, xuất lương thực và vật tư, thiết bị cứu hộ cứu nạn DTQG theo kế hoạch trung hạn được phê duyệt; chú trọng và nâng cao công tác quản lý chất lượng hàng DTQG; tiếp tục củng cố và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành; hoàn thiện tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!