Nông dân Hàm Yên thu nhập tiền tỷ nhờ phát triển vùng cam

pv.

(Taichinh) - Huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 4.430 ha cam sành, trong đó, diện tích cho thu hoạch đại trà là trên 2.700 ha. Cam sành Hàm Yên được trồng tập trung tại 9, xã thị trấn trên địa bàn huyện: Yên Thuận, Yên Phú, Bạch Xa, Minh Khương, Minh Dân, Yên Lâm, Tân Thành, Phù Lưu và thị trấn Tân Yên.

Cam sành sản xuất theo hướng VietGAP tại xã Tân Thành.
Cam sành sản xuất theo hướng VietGAP tại xã Tân Thành.

Thị trường tiêu thụ chủ yếu của cam sành Hàm Yên tập trung ở khu vực miền Bắc, có mặt tại các siêu thị như BigC, Co.op Mart, Metro..., bắt đầu có mặt ở miền Trung và đang vươn ra thị trường miền Nam và hướng đến xuất khẩu sang một số nước như Lào, Campuchia.

Theo ước tính, năm 2015, sản lượng cam sành Hàm Yên đạt khoảng 35.000 tấn quả, tăng khoảng 6.000 tấn so với năm 2013.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên - Nông Huy Tùng: cam sành Hàm Yên đã đem đến cuộc sống ấm no, giàu có cho những người trồng cam trên địa bàn huyện.Thống kê của huyện Hàm Yên cho biết, với giá như hiện nay, những hộ trồng cam có sản lượng trên 40 tấn sẽ có thu nhập khoảng từ 300 triệu đồng trở lên. Nhiều hộ có diện tích lớn chắc chắn có thu nhập tiền tỷ. Đơn cử như hộ ông Trình Ngọc Huynh, thôn 65, xã Yên Lâm có hơn 8 ha cam sành, ước sản lượng đạt khoảng 200 tấn, chỉ cần bán với giá 8.000 đ/kg thì tổng thu nhập từ vườn cam của gia đình ông Huynh sẽ là 2,5 tỷ đồng; hộ ông Ma Văn Long, thôn Mường, xã Phù Lưu có hơn 10 ha cam sẽ có thu nhập hơn 2 tỷ đồng... Còn lại đa số các hộ gia đình trồng cam đều có thu nhập từ vài chục triệu đồng trở lên/ vụ cam.

Theo đề án phát triển vùng cam đến năm 2020, trên địa bàn 15 xã, thị trấn của 2 huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên sẽ bổ sung thêm 3.906 ha để hình thành vùng sản xuất cam sành của tỉnh với quy mô trên 6.800 ha. Năng suất bình quân đạt 150 tạ/ha, sản lượng đạt trên 65 nghìn tấn, giá trị kinh tế đạt khoảng 1.300 tỷ đồng. Hiện tại, Hàm Yên đang tập trung hoàn thiện việc xây dựng hệ thống giao thông vận chuyển cam. Đồng thời tiếp tục các biện pháp mở rộng thị trường tiêu thụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cam sành, giảm tổn thất sau thu hoạch, việc liên kết giữa nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông, kết nối tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.