Nông nghiệp: cần có giải pháp cấp bách
(Taichinh) - Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH đã đề nghị phải có giải pháp thích hợp cho 6 tháng cuối năm, không thể áp những giải pháp mang tính trung và dài hạn cho một khoảng thời gian ngắn. Trong đó, ngành có nhu cầu cao nhất về những giải pháp có thể triển khai nhanh là nông nghiệp, bởi nông sản, thủy sản hay lâm sản thu hoạch có thời, có vụ, và yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao.
Sau tình trạng một số nông sản phải đổ bỏ, cho gia súc ăn vì không tiêu thụ được, thì nông dân dường như thấy vui hơn khi liên tục có những thông tin tích cực về khả năng tiêu thụ vải. Nhưng các ĐBQH chưa thể yên tâm với thông tin này, vì trong những năm gần đây, nhiều sản phẩm nông nghiệp luôn giảm sút về kim ngạch xuất khẩu và gặp khó khăn về việc mở rộng thị trường. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún và theo phong trào nên hiện có rất ít thương hiệu uy tín. “So với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, cũng là mặt hàng gạo nhưng gạo của người ta có giá bán cao hơn, cũng là xoài nhưng xoài của họ ngọt hơn, có giá bán rẻ hơn” - ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) nhấn mạnh.
Mặc dù nền kinh tế nước ta đang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, nhưng nông dân vẫn nghèo khó, thiếu kiến thức, luôn phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá. Điệp khúc được mùa mất giá lặp lại trong nhiều năm, chưa được khắc phục hiệu quả, gây thiệt hại và mất lòng tin trong nhân dân. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, nếu không giải quyết được bài toán nông dân làm gì để hội nhập kinh tế quốc tế thì việc gia nhập, hội nhập kinh tế quốc tế chỉ thành công được 50%.
Để khắc phục được những hạn chế của ngành nông nghiệp, Báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện Nghị quyết Phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ đã chỉ ra nhiều biện pháp. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân; hỗ trợ hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và áp dụng rộng rãi các loại giống mới... Đồng thời, có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài để tiêu thụ nông sản; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông lâm, thủy sản và các ngành nghề sử dụng nhiều lao động; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại.
Tuy nhiên, đây không phải là những giải pháp mới, mà đã có trong kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn của nước ta. ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, những giải pháp dài hạn được Chính phủ đưa ra là phù hợp, nhưng điều cần thiết lúc này là những giải pháp cho 6 tháng còn lại của năm 2015. Do đó, phải hướng đến những vấn đề cấp bách, cần tập trung chỉ đạo để nhanh chóng cho kết quả. Thay vì nhắc lại những giải pháp cho chặng đường dài, thì tại sao không đề cập sâu vào những giải pháp trước mắt?
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các ĐBQH đã đề ra nhiều giải pháp ngắn hạn, đáp ứng sự trông đợi của nông dân. Đơn giản như ngay trong thời điểm trọng điểm của thu hoạch vải như hiện nay, thì thay vì phải vận chuyển vải vào TP Hồ Chí Minh, Bình Dương để chiếu xạ, thì tại sao không xây dựng cơ sở chiếu xạ ở khu vực phía Bắc để giảm chi phí. Ngoài ra, chính quyền địa phương có thể đứng ra làm trọng tài để phân xử những vi phạm trong việc thực hiện hợp đồng sản xuất - bao tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân, tạo động lực cho việc mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, theo quy mô lớn. Nếu nông dân cứ đem bán cho thương lái trong khi doanh nghiệp đã đầu tư phân bón, giống cây trồng, thì doanh nghiệp sẽ ngại đầu tư cho vùng nguyên liệu sản xuất. Ngược lại, khi giá rẻ, xuất khẩu không có lãi hoặc lỗ mà doanh nghiệp bỏ của chạy lấy người, thì nông dân cũng sẽ mất niềm tin.
Những giải pháp được ĐBQH đề ra tại phiên thảo luận đã cơ bản đáp ứng mong đợi của nông dân trong nước. Song điều đáng nói là bên cạnh những giải pháp đã được giao cho chính quyền địa phương, hay Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... thì không nên quên vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). SCIC được giao thực hiện đầu tư, kinh doanh vốn từ ngân sách, thì tại sao vẫn yên tâm tiến hành những nhiệm vụ không rõ ràng, chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt? Vì sao SCIC không chủ động đầu tư những cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm nông nghiệp hiện đại, giúp nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, thậm chí là xây dựng ngay nhà máy chiếu xạ cho vải tại miền Bắc được ĐBQH đưa ra?