Nông nghiệp: Công cụ phát triển bền vững và giảm nghèo

PV.

Trong thế kỷ XXI, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về vai trò của nông nghiệp. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện toàn cầu, nông nghiệp vẫn là công cụ chính cho sự phát triển bền vững và giảm nghèo.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công cụ phát triển bền vững

Nông nghiệp là một ngành sản xuất đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia bởi nó là ngành sản xuất khởi đầu của quá trình sản xuất vật chất của xã hội loài người. Ngày nay, nhờ có sự phát triển của khoa học công nghệ, nông nghiệp đã ngày càng trở nên hiện đại, tiên tiến hơn.

Nông nghiệp đóng góp vào sự phát triển theo nhiều cách: là một hoạt động kinh tế, một sinh kế và một nơi cung cấp các dịch vụ môi trường.

Với vai trò là hoạt động kinh tế, nông nghiệp đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, cung cấp các cơ hội đầu tư cho khu vực tư nhân và tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp liên quan tới nông nghiệp, bao gồm cả công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản (phục vụ đầu ra cho nông nghiệp) và cả công nghiệp hóa chất, cơ khí (phục vụ đầu vào cho nông nghiệp). Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong các nước đang phát triển, nông nghiệp đóng góp 29% GDP và giải quyết việc làm cho 65% lực lượng lao động xã hội. Không những thế, các ngành công nghiệp và dịch vụ gắn kết với nông nghiệp trong các chuỗi giá thị trường chiếm hơn 30% GDP trong các quốc gia chuyển đổi và đô thị hóa.

Theo Ngân hàng Thế giới, nông nghiệp là sinh kế cho 86% dân số nông thôn, tạo việc làm cho 1,3 tỷ nông hộ nhỏ và những nông dân không có ruộng đất. Trong 5,5 tỉ người của thế giới đang phát triển, 3 tỉ người sống ở các vùng nông thôn chiếm gần một nửa nhân loại. Trong số dân cư nông thôn, ước tính 2,5 tỉ dân thuộc các hộ gia đình làm nghề nông và 1,5 tỉ dân ở các nông hộ nhỏ.

Nông nghiệp còn là nơi cung cấp các dịch vụ môi trường. Hiện nay, nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước nhất và làm cho nguồn nước ngày càng khan hiếm nhưng nông nghiệp cũng là ngành cung cấp chính các dịch vụ môi trường, như cố định các-bon, quản lý lưu vực sông và bảo tồn đa dạng sinh học.

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững để đạt giá trị lớn hơn về kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và hạn chế ô nhiễm môi trường là một vấn đề cấp thiết đối với các quốc gia. Tại hầu hết các nền kinh tế mà nông nghiệp còn đóng vai trò chi phối thì đẩy mạnh phát triển nông nghiệp được coi là nền tảng của tăng trưởng kinh tế ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng nông nghiệp chính là yếu tố tiên phong của các cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra trên thế giới (ở Anh vào giữa thế kỹ XVIII và ở Nhật vào cuối thế kỷ XIX) và tốc độ tăng trưởng nhanh của nông nghiệp tại một số quốc gia châu Á những năm gần đây như tại Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam ... cũng đã tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp.

Nông nghiệp và vấn đề giảm nghèo

Nông nghiệp là công cụ hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Tăng trưởng nông nghiệp có ảnh hưởng tích cực và mạnh tới công tác giảm nghèo tại tất cả các quốc gia. Tại các quốc gia dựa vào nông nghiệp (hầu hết ở châu Phi Hạ Sahara), nông nghiệp có vai trò chủ yếu trong giảm nghèo; Tại các nền kinh tế đang chuyển đổi (châu Á, Bắc Phi, Trung Đông), tăng trưởng nông nghiệp và ngành nghề phi nông nghiệp giúp giảm nghèo và giảm khoảng cách giàu nghèo nông thôn – thành thị; Tại các nền kinh tế đã đô thị hóa (Đông Âu, Mỹ Latinh), nông nghiệp giúp xóa nghèo ở nông thôn nhờ tạo ra việc làm cho người nghèo.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP trong nông nghiệp có hiệu quả giảm nghèo hơn gấp đôi so với tăng trưởng GDP của các ngành khác. Cụ thể, tại Trung Quốc, hiệu quả giảm nghèo của tăng trưởng nông nghiệp ước tính tăng gấp 3,5 lần so với mức tăng trưởng nhờ các ngành khác. Đối với Mỹ La tinh là 2,7 lần. Tăng trưởng nông nghiệp nhanh ở Ấn Độ sau cuộc cách mạng về giống cây trồng, vật nuôi và tại Trung Quốc nhờ cải cách thể chế và quản lý trong nông nghiệp thông qua hệ thống khoán hộ và cải cách thị trường đã đưa đến những thành tích giảm nghèo nông thôn rất đáng kể