Đẩy mạnh phân cấp quản lý, quyết toán chi thường xuyên ngân sách để sửa chữa, nâng cấp tài sản

Minh Hà

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác.

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ nhằm cụ thể hóa quy định tại Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Bộ Tài chính cho biết, theo nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Luật số 56/2024/QH15, chi ngân sách nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên) để mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác.

Tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 138/2024/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc phê duyệt chủ trương thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị của các bộ, cơ quan trung ương có tổng dự toán thực hiện từ 120 tỷ đồng/nhiệm vụ trở lên trên cơ sở Bộ Tài chính tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương.

Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về việc đẩy mạnh phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tài chính đề nghị sửa lại quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 138/2024/NĐ-CP.

Theo đó, đối với các nhiệm vụ có tổng dự toán thực hiện từ 120 tỷ đồng/nhiệm vụ trở lên, các bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm đề xuất nhiệm vụ, lấy ý kiến của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan về sự cần thiết, mục tiêu, phạm vi, quy mô của nhiệm vụ, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

Các bộ, cơ quan trung ương gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính về khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; trên cơ sở đó tổng hợp, chịu trách nhiệm toàn diện xác định sự cần thiết, mục tiêu và dự toán kinh phí của nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt về chủ trương thực hiện nhiệm vụ.

Dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với các nhiệm vụ dở dang, đang triển khai thực hiện trước thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành để đảm bảo thống nhất về hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ trong năm 2025.

Dự thảo Nghị định đề xuất sửa theo hướng đối với các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về xây dựng hoặc các nhiệm vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và lĩnh vực khác quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này đang thực hiện dở dang, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách tiếp tục thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền, chịu trách nhiệm rà soát, xác định và ban hành Quyết định phê duyệt dự toán kinh phí còn thiếu của nhiệm vụ gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý sử dụng nguồn kinh phí được giao đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả.