Nông nghiệp trong lòng đô thị: Tại sao không?
Việc đưa nông nghiệp vào giữa lòng các đô thị lớn là một phương án rất đáng được cân nhắc để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tạo được môi trường sống trong lành, gần gũi thiên nhiên...
An ninh lương thực - chuyện cũ mà không cũ
An ninh lương thực (được hiểu là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu) vẫn là một vấn đề nhức nhối ngay cả trong thế kỷ 21 này. Người dân nhiều nước trên thế giới hiện nay đang ở trong tình trạng thiếu hay chỉ có vừa đủ thu nhập để chi trả cho nhóm hàng thực phẩm thiết yếu.
Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì có hơn 50% chi tiêu hơn một nửa thu nhập của họ cho thực phẩm, trong đó có gần 1/5 số người chi tiêu hơn 70%. Chỉ cần có một tai hoạ nào đó như lũ lụt, bệnh dịch, mất mùa đẩy giá thực phẩm lên thì đối tượng này sẽ mất đi hoàn toàn khả năng tự nuôi sống bản thân, đơn cử như trường hợp của bảy quốc gia Tây Phi trong giai đoạn 2011 - 2012.
Hạn hán kéo dài gây ra mất mùa đã khiến giá thực phẩm vượt quá tầm chi trả với của người dân tại Somalia, Niger, Senegal, Mauritana, Bukina Faso, Mali, và Gambia. Hàng trăm nghìn người chịu ảnh hưởng của nạn đói, trong đó riêng tại Somalia đã có khoảng 285.000 người chết.
Hậu quả của việc mất an ninh lương thực khó mà nói hết được. Ngoài hiểm hoạ chết đói thì các nạn nhân còn phải đối mặt với suy dinh dưỡng, thể chất suy kiệt… Hậu quả nặng nề hơn với một quốc gia, đó là lạm phát, chậm phát triển, bất ổn chính trị, trật tự xã hội biến mất… Vấn đề này dự báo sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn vì tình trạng tăng dân số và quá trình đô thị hoá như vũ bão ở các nước đang phát triển. Khu vực Châu Á được dự báo sẽ là nơi gánh chịu những tác động nặng nề nhất.
Ở Việt Nam, việc mất an ninh lương thực cũng đã xảy ra ở một số địa phương do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và tác động của biến đổi khí hậu. Hầu như năm nào Chính phủ cũng phải thực hiện công tác cứu đói các vùng sâu vùng xa hay chịu ảnh hưởng của thiên tai. An toàn chất lượng thực phẩm cũng trở thành một vấn đề nổi cộm. Người tiêu dùng đang hằng ngày lo lắng về chất lượng vệ sinh an toàn, chứ chưa nói gì đến tính dinh dưỡng của thực phẩm. Hàng loạt vấn đề liên quan đến an ninh lương thực cần được giải quyết.
Việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp tại khu vực nông thôn là rất đáng hoan nghênh và cần được tiếp tục thực hiện; tuy nhiên, mất an ninh lương thực cần được xem xét như là một vấn đề đa chiều có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như giao thông, thông tin liên lạc, khí hậu... yêu cầu sự thay đổi trên mọi mặt thì mới có thể giải quyết được. Chiến lược an ninh lương thực phải cụ thể và gắn kết chặt chẽ với tình hình địa phương, nhưng cũng cần được dẫn lối bởi một tầm nhìn tổng thể và lâu dài.
Đô thị là một khu vực rất dễ chịu ảnh hưởng của việc mất an ninh lương thực. Hầu hết thực phẩm mà người dân đô thị sử dụng hằng ngày đến từ các khu vực nông nghiệp bên ngoài thành phố (ví dụ như ở Châu Phi, tỷ lệ này là khoảng 50 - 75%). Quá trình tự do hoá và toàn cầu hoá đã nối dài khoảng cách giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ.
Ngày nay sản phẩm nông nghiệp có thể đáp máy bay đi hàng trăm cây số, thậm chí là vượt qua biên giới để lên được bàn ăn. Mặc dù không thể phủ nhận được tác dụng tích cực của hiện trạng này đối với chất lượng sống của người dân và nền kinh tế của quốc gia, nhưng ở trong những tình huống nhất định, nó cũng đặt các đô thị vào một vị trí nguy hiểm.
Khi mà hệ thống vận chuyển và phân phối bị gián đoạn thì sẽ không mất nhiều thời gian khiến các thành phố rơi vào tình trạng cạn kiệt, và người dân thành thị, đặc biệt là tầng lớp có thu nhập trung bình trở xuống, sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của mất an ninh lương thực.
Vấn đề thứ hai cần nói đến là chất lượng thực phẩm. Như đã nói đến ở trên, người dân đang ngày càng mất lòng tin vào an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở nông thôn, khách hàng có thể nắm rõ nguồn thực phẩm của họ đến từ đâu, được nuôi trồng như thế nào... Nhưng người dân thành thị không hẳn có được điều đó.
Hầu như không có sự tiếp xúc trực tiếp nào giữa người nông dân và người tiêu dùng, và khách hàng phải đặt niềm tin của mình vào các nhà trung gian trong chuỗi phân phối. Đã có nhiều sáng kiến để rút ngắn khoảng cách này; tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận những giải pháp công nghệ không thể nào giải quyết hoàn toàn vấn đề lòng tin vào chất lượng an toàn thực phẩm được.
Trên một phương diện khác, cách mà người dân thành thị tiêu thụ thực phẩm cũng gián tiếp gây ra mất an ninh lương thực. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các đô thị có tốc độ lãng phí thực phẩm cao hơn hẳn những khu vực khác. Sự lãng phí này có thể diễn ra trong khâu vận chuyển (quãng đường vận chuyển càng dài, càng có nhiều thực phẩm bị hỏng), phân phối (các siêu thị loại ra rất nhiều mặt hàng tươi có khiếm khuyết về ngoại hình) hay tiêu thụ (thói quen mua thực phẩm để dự trữ trong tủ lạnh khiến cho nhiều đồ ăn bị bỏ đi).
Một phần những mất mát này không thể tránh được, nhưng chúng ta cũng phải công nhận cùng với đó là nếu người dân thành thành thị có một thái độ trân trọng hơn với những thực phẩm mà họ tiêu thụ hằng ngày, tình hình có lẽ đã không tệ đến mức này.
Đưa nông nghiệp vào trong lòng đô thị
Trong số các giải pháp đang được căn nhắc để giải quyết cả ba vấn đề liên quan đến an ninh lương thực kể trên, đưa nông nghiệp vào trong lòng đô thị đã nhận được nhiều sự chú ý vào tính khả thi. Việc này sẽ cắt giảm khoảng cách giữa nơi sản xuất - nơi tiêu thụ và những khoản thất thoát liên quan.
Người dân đô thị cũng có cơ hội được chứng kiến hay thậm chí là trực tiếp tham gia quá trình sản xuất nông nghiệp, để vừa trân trọng vừa tin tưởng vào những thực phẩm mà họ tiêu thụ. Và, chúng ta hoàn toàn có thể gắn kết quá trình đưa nông nghiệp vào đô thị với việc tăng diện tích xanh trong thành phố để có thể tăng chất lượng sống của người dân.
Việc trồng rau trong các thùng xốp không còn xa lạ với các hộ gia đình tại các đô thị của Việt Nam. Rộng hơn nữa là các trang trại thuỷ sinh trong nhà, một phân khúc thị trường đầy tiềm năng đang cuốn hút thêm nhiều doanh nghiệp mỗi ngày. Đây là hai ví dụ cho thấy người dân và doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm hơn đến việc sản xuất nông nghiệp trong thành phố.
Tuy vậy, các sáng kiến nói trên vẫn còn có phần nhỏ lẻ, manh mún. Nếu muốn thực sự khiến cho các thành phố có khả năng tự cung, tự cấp lương thực, toàn thể xã hội phải tạo điều kiện thích hợp để các hoạt động sản xuất có thể mở rộng và tồn tại lâu dài trong môi trường đô thị.
Công nghệ mới có vai trò rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp. Hầu hết các hộ nông dân và doanh nghiệp hiện nay coi Internet như nguồn cung cấp thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời cũng sử dụng mạng để liên lạc, tìm kiếm khách hàng.
Hay là các máy móc, cây giống, cây trồng mới đã làm giảm đáng kể gánh nặng về đất đai và chi phí lên vai người nông dân, trong khi khách hàng được hưởng những thực phẩm chất lượng cao hơn với mức giá thấp hơn. Việc đưa công nghệ hiện đại tham gia vào quá trình này làm tăng đáng kể lợi ích cho tất cả các bên tham gia thị trường.
Tại các đô thị, công nghệ mới được áp dụng vào nông nghiệp theo một cách đơn lẻ và gần như vẫn chỉ dừng ở khâu phân phối. Vẫn còn thiếu những giải pháp công nghệ được đưa vào sản xuất, còn những công nghệ áp dụng được thì vẫn chịu những rào cản của quy mô đầu tư và sản xuất nhỏ.
Ví dụ như việc trao đổi nông sản sản xuất tại thành phố. Hàng hoá do các cá thể nhỏ lẻ sản xuất thường được giao dịch trên mạng xã hội hay các nền tảng rao bán. Hình thức trao đổi có khác, nhưng loại hình mua bán này vẫn dựa quá nhiều vào niềm tin giữa người bán và người mua giống như là đi chợ thật.
Các cấp chính quyền có thể mở rộng chính sách khuyến nông của mình đến các đô thị để khuyến khích sản xuất trong lòng thành phố. Quá trình này gồm nhiều bước khác nhau, nhưng theo kinh nghiệm của các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này thì nên được bắt đầu bằng việc tạo dựng một khuôn khổ pháp lý thích hợp. Vì điều kiện và quy mô sản xuất tại thành thị khác với nông thôn, nên chính quyền không thể cứ cứng nhắc trong các quy định về phương pháp sản xuất và chất lượng sản xuất, ví dụ như quy trình sử dụng thuốc trừ sâu hay tiêu chuẩn vận chuyển sản phẩm.
Đi kèm với khuôn khổ pháp lý là một cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Chúng ta có thể tiếp cận từ hướng tài chính vi mô, tìm cách đưa được các nguồn vốn phát triển đến tay các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Trên phương diện cộng đồng, đó là “ươm mầm” các mô hình tổ sản xuất tại cấp khu phố và phường.
Hay là đối với quy hoạch, cơ quan quản lý có thể trao những quy chế có lợi cho việc xây dựng những công trình tạo không gian cho sản xuất nông nghiệp. Việc thay đổi quy mô đầu tư và sản xuất sẽ là tiền đề để áp dụng các công nghệ mới, nhằm biến các thành phố trở thành một môi trường thích hợp hơn với nông nghiệp.
Thủ đô La Havana của Cuba là một minh chứng cho thấy chí phí và nguồn lực cần tiêu tốn để hoàn thành hai mục tiêu trên không phải là quá tầm khi áp dụng tại Việt Nam. Phải đối mặt với việc cấm vận của Mỹ, đảo quốc này từng nhiều lần rơi vào cảnh thiết hụt nguồn cung thực phẩm trầm trọng. Chính quyền Cuba trong giai đoạn 1980 - 1990 đã đặt mục tiêu khiến quốc gia này có thể đạt được tự chủ về lương thực, trong đó có việc tận dụng nguồn đất đai ở đô thị để sản xuất nông nghiệp.
Sau khi hình thành khuôn khổ pháp lý, họ đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp các tổ sản xuất tại địa phương, ví dụ như việc thành lập và duy trì hàng chục cửa hàng bán nông sản trợ giá, ba khu đất sản xuất phân bón, và bốn mươi trạm thú y trong địa phận La Havana. Nông nghiệp hữu cơ, khi đó còn là một khái niệm rất mới mẻ ở phương Tây, cũng được chính quyền phổ biến cho người dân thông qua hệ thống truyền thông.
Kết quả mà La Havana đạt được làm cho tất cả các nhà quan sát trong và ngoài nước phải ngạc nhiên. Từ một thành phố phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu để tồn tại, đến nay thủ đô của Cuba đã có thể tự nuôi sống mình.
Nông nghiệp nay đã trở thành một phần không thể tách rời của thành phố và được thể hiện theo nhiều cách khác nhau, từ những khoảng vườn được cả khu phố chung tay chăm sóc, đến những “trang trại” có vài con bò được thả ra ăn cỏ vào buổi sáng, và nhốt lại vào chuồng trên mái nhà khi đêm tới. Người dân La Havana vừa được tiếp cận với nguồn thực phẩm dồi dào, bổ dưỡng, lại vừa tận hưởng một lối sống gần gũi với cả thiên nhiên lẫn cộng đồng của mình.
Những gợi ý nói trên mới chỉ tiếp cận một phần rất nhỏ của vấn đề đưa nông nghiệp vào trong đô thị. Vẫn còn rất nhiều vướng mắc và trở ngại mà Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung cần phải giải quyết để có thể tiến tới hiện thực hoá việc này. Tuy vậy, nếu các chính phủ đã có cam kết thực sự về việc đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao chất lượng sống của người dân thì sản xuất nông nghiệp thành thị quả là một hướng đi đáng được xem xét và triển khai.