Nộp tiền mặt vào ngân hàng có thể mất phí
(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước đề xuất trao quyền cho các nhà băng tự ấn định mức phí nộp tiền vào tài khoản và rút tiền mặt từ 0-0,05%.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ rút và nộp tiền, hướng dẫn cho Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt trước đó. Với bản dự thảo này, nhà điều hành dự kiến sẽ trao quyền cho các ngân hàng tự ấn định phí nộp tiền mặt với khách hàng khi nộp vào tài khoản nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị nộp. Tương tự, khi rút tiền mặt, khách hàng có thể phải trả phí nhưng không vượt quá 0,05% tổng giá trị. Các loại phí này ngân hàng đều phải công niêm yết công khai.
Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, việc thu phí này nhằm hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, giảm chi phí xã hội liên quan đến sử dụng tiền mặt và nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng.
Trên thực tế, việc cho phép nhà băng tính phí rút cũng như nộp tiền mặt không phải mới bởi khi gửi tiền vào tài khoản thanh toán ở khác tỉnh, thành, hiện khách hàng đã phải trả phí (thường là 0,03%, tối thiểu 15.000 đồng và tối đa một triệu đồng một giao dịch - tùy ngân hàng). Tuy nhiên, điểm mới ở dự thảo là nhà điều hành đã quy định cụ thể mức phí trần đối với các giao dịch tiền mặt.
Ngược lại, tại dự thảo lần này mức sàn không được quy định. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong quá trình thực hiện các ngân hàng có thể áp dụng mức thu phí khác nhau, thấp hơn nhiều so với phí chuyển khoản hoặc không thu phí. "Vì vậy chưa có ảnh hưởng nhiều đến việc khách hàng lựa chọn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thay cho việc sử dụng tiền mặt để thanh toán", cơ quan soạn thảo cho hay.
Giống như quy định thu phí ATM nội mạng, nhiều ngân hàng xem việc không thu phí (dù được Ngân hàng Nhà nước cho phép) là hình thức để cạnh tranh, mở rộng thị phần thẻ. Đến nay có 10/46 ngân hàng tính phí ATM nội mạng.
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ngày càng giảm dần, từ 20,3% (năm 2004) xuống 14% (năm 2010) và đến nay còn khoảng hơn 11%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết mức này vẫn còn rất cao so với thế giới. Cả nước hiện có hơn 68,5 triệu thẻ ngân hàng nhưng phần lớn các hoạt động với thẻ của người dân vẫn chỉ là để rút tiền dù lượng thanh toán qua thẻ đã tăng dần so với trước đây. Đến hết I/2014, các ngân hàng đã đầu tư 15.500 máy ATM, gần 138.000 POS cho nhu cầu không dùng tiền mặt của người dân.