Ồ ạt phát triển khu công nghiệp: Nên chọn "may sẵn" hay 'may đo"

Theo Trà My/vnbusiness.vn

Chỉ trong mấy tháng trở lại đây, việc cấp phép thành lập các khu công nghiệp (KCN) được nhiều tỉnh, thành trong cả nước triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, hồi phục kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, việc thành lập ồ ạt, không có sự chuẩn bị kỹ càng có thể để lại nhiều hệ lụy.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông John Campbell - Trưởng bộ phận dịch vụ bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam cho rằng, trong hai tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thu hút gần 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó vốn đăng ký tăng thêm 123,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,59 tỷ USD. Trong đó, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản lần lượt chiếm tỷ trọng lớn 3,1 tỷ USD và 1,52 tỷ USD.

Nhiều KCN được phê duyệt xây dựng

Điều này cho thấy môi trường đầu tư tại các KCN tại Việt Nam đang khá thuận lợi. Ngoài ra, hiện nay tỷ lệ lấp đầy của các KCN trong cả nước đang ở mức khá cao, vì thế việc phát triển thêm các KCN mới vẫn sẽ có nhiều dư địa để thu hút đầu tư.

Điều này cũng dễ hiểu khi hiện nay đã có ít nhất trên 50 KCN và cụm công nghiệp và khu kinh tế phức hợp được các địa phương từ Bắc chí Nam lên kế hoạch đầu tư với tổng giá trị lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Đơn cử, ngày 7/1, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 65/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới, giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, thành phố xác định và phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập 5 khu công nghiệp (KCN) mới trong giai đoạn 2021-2025, cụ thể: KCN Sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn diện tích 302,8ha ở hai xã Minh Trí và Tân Dân; KCN Đông Anh, huyện Đông Anh diện tích 300ha ở các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh; KCN Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín diện tích 112ha ở các xã Văn Bình, Ninh Sở, Liên Phương; KCN Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ diện tích 389ha ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Ngọc Hòa; KCN Phụng Hiệp, huyện Thường Tín diện tích 174,88ha ở các xã Dũng Tiến, Nghiêm Xuân, Tô Hiệu, Thắng Lợi.

Đầu tháng 3 này, Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cũng thông tin, ngay trong tháng 3-2022, tỉnh sẽ khởi công xây dựng Khu công nghiệp VSIP III nằm trên địa bàn thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, quy mô 1.000ha.

Khu công nghiệp mới này được định hướng thu hút doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, hạn chế các ngành nghề thâm dụng lao động. Tiếp đó, trong quý II-2022, tỉnh sẽ khởi công xây dựng Khu công nghiệp Cây Trường, quy mô 1.000ha tại huyện Bàu Bàng. Cùng với đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại các khu công nghiệp hiện hữu để tăng hiệu quả sử dụng đất; mở rộng Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và Rạch Bắp…, ưu tiên thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mới đây, ngày 15/2, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp số 11, Khu kinh tế Nghi Sơn thuộc địa giới hành chính xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn.

Theo thông báo, đây sẽ là Khu công nghiệp đa ngành, ưu tiên loại hình công nghiệp cơ khí, lắp ráp động cơ và kho trung chuyển; bổ sung loại hình công nghiệp phụ trợ phục vụ lọc hoá dầu, chế tạo, vật liệu xây dựng. Dự kiến, quy mô lao động tối đa khoảng 16.500 người, dân số vào khoảng 5.000 người.

Diện tích lập quy hoạch là 567 ha. Trong đó, trên phần đất công cộng 0,89 ha (chiếm 0,16%) và đất dịch vụ thương mại 3,75 ha (chiếm 0,66%) sẽ bố trí các công trình dịch vụ, bến xe, công cộng tại vị trí giáp tuyến đường Quốc lộ 1A và nút giao thông giao cắt giữa các trục đường chính của khu công nghiệp. Mật độ xây dựng 30-40%, tầng cao công trình là 2-5 tầng.

Đó chỉ là một vài ví dụ trong số hàng chục dự án phát triển KCN đang được các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ hình thành trong thời gian tới. Trong khoảng 3 tháng gần đây, phát triển các KCN đang tăng trưởng “nóng”, trong khi đó việc chuẩn bị kỹ càng cơ sở hạ tầng xung quanh KCN không phải tỉnh, thành nào cũng làm tốt. Đặc biệt, vẫn chưa nhiều dự án thành lập KCN sạch, KCN sinh thái để sẵn sàng đón nhà đầu tư.

Chọn ‘may sẵn’ hay ‘may đo’?

Cũng phải nhắc lại, không phải đến bây giờ việc cảnh báo thành lập ồ ạt các khu công nghiệp mới được các chuyên gia đưa ra, từ nhiều năm nay đã có những cảnh báo nhiều tồn tại nhiều bất cập như thiếu đồng bộ hạ tầng giao thông, điện nước, thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, hệ thống vận tải, logistic, cảng biển, cảng sông vừa thiếu, vừa kém về chất lượng. Các dự án khu, cụm công nghiệp còn triển khai chậm, chậm tiến độ, thiết đồng bộ cơ sở hạ tầng, chưa thu hút được các ngành công nghiệp sạch chất lượng cao, công nghệ cao,…

Ông Vũ Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến Trúc, Bộ Xây dựng cho rằng, hiện có hai mô hình đầu tư của phần lớn các KCN tại Việt Nam.

Thứ nhất, mô hình “may sẵn”: Tức là, phía Việt Nam chuẩn bị sẵn theo hướng đa ngành rồi đón các doanh nghiệp vào thuê đất và tiến hành xây dựng nhà máy.

Thứ hai, mô hình “may đo”: Mô hình đầu tư đồng bộ khi mà biết rõ được nhà đầu tư muốn phát triển theo hướng nào để triển khai theo. Song, hiện nay các KCN tại Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu phục vụ cho nhóm đối tượng, nhóm nhu cầu nên việc phát triển chủ yếu là theo hướng đa ngành.

"Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc phát triển mô hình KCN, cụ thể là mô hình “may đo”, bằng cách xác định rõ được nhu cầu, xu hướng hiện tại cũng như đối tượng nhà đầu tư hướng đến”.

Theo ông Tú, hiện nay vẫn còn khoảng cách giữa pháp luật và việc thực tiễn thực hiện. Ví dụ về việc khi lập kế hoạch xây dựng KCN sinh thái, Việt Nam vẫn chưa xác định tiêu chí để đánh giá tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc xây dựng và vẫn còn những khoảng trống về vấn đề này.

Trước đây, Việt Nam thường ở phía thụ động, tức là làm sẵn các KCN rồi chờ đợi các nhà đầu tư đến. Tức là, Việt Nam đang phần lớn đi theo mô hình “may sẵn”. Khi trình độ phát triển ngày càng cao như hiện nay, mô hình “may sẵn” không còn phù hợp để đáp ứng được những yêu cầu và xu hướng mới.

"Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc phát triển mô hình KCN, cụ thể là mô hình “may đo”, bằng cách xác định rõ được nhu cầu, xu hướng hiện tại cũng như đối tượng nhà đầu tư hướng đến”, ông Tú nói.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần thận trọng trong việc cấp phép xây mới, mở rộng các KCN, cụm công nghiệp và lựa chọn thu hút đầu tư. Bởi hiện nay các KCN tại Việt Nam vẫn chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất như những sản phẩm mang tính “may sẵn”. Hạ tầng nhiều KCN hiện hữu chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

“Trong khi đó, sự đồng bộ giữa quy hoạch các KCN với hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực tại một số địa phương vẫn chưa được tính toán chi tiết, nên khi đi vào hoạt động xảy ra các tình trạng tranh chấp, thiếu lao động, ô nhiễm môi trường…”, Phó Chủ tịch VCCI nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, do thiếu nghiên cứu trong lúc lập và duyệt quy hoạch, nên hiện nay nhiều khu công nghiệp có một số diện tích đất hành lang an toàn lưới điện, cây xanh nằm lọt giữa các nhà máy hoặc giáp ranh các khu dân cư nên không có lối vào, không có đường để tiếp cận hoặc nếu có thì cũng bị những người vô ý thức xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý trật tự xây dựng yếu kém, dân cư sống gần luôn có xu hướng lấn chiếm phần diện tích của khu công nghiệp, dẫn tới những vấn đề về môi trường trong tương lai.

Đơn cử, khi gắn mác là KCN sạch, hiển nhiên chủ đầu tư sẽ dễ dàng có những vị trí thuận tiện, có thể là gần trung tâm thành phố phục vụ tốt cho quá trình vận chuyển hàng hoá hay gần các khu dân cư để thu hút được lượng lớn người lao động… Chung quy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp chính là những người hưởng lợi. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, các cá nhân, tổ chức lợi dụng câu chuyện KCN sạch để tăng, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường hay nâng giá trị sản phẩm…

Theo các chuyên gia, xu hướng phát triển trên thế giới hiện nay là các KCN với mô hình theo hướng chuyên biệt. Đã đến lúc các bộ, ngành, địa phương cần cân nhắc lại định hướng các mô hình KCN chuyên ngành tại Việt Nam để không bị thụt lùi, nhất là việc xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư vào các KCN.

Ngoài ra, các KCN không thể theo mô hình “may sẵn”, tức là tạo quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng kết nối, thu hút DN đến thuê đất như hiện tại, mà phải chuyển sang “may đo” để phù hợp với từng lĩnh vực và tạo thành một hệ sinh thái bền vững. Bởi hiện nay, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã hình thành KCN chuyên ngành; KCN tích hợp cả nhà ở, bệnh viện, trường học. Nếu Việt Nam cũng có các KCN chuyên sâu, đa chức năng sẽ là điều kiện lý tưởng để thu hút, giữ chân nhà đầu tư.