Ðặc khu kinh tế - câu chuyện 5 năm nhìn lại
Sau hơn 5 năm kể từ thời điểm Bộ Chính trị đưa ra chủ trương nghiên cứu xây dựng mô hình đặc khu kinh tế (ÐKKT) vào năm 2012, lúc này xã hội đã đạt sự đồng thuận khá cao đối với tư tưởng xây dựng mô hình đặc khu. Theo đó, các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế là điều hết sức cần thiết, cấp bách, và được xây dựng nhằm bảo đảm yêu cầu mang tính đột phá, vượt trội, đủ sức hợp tác và cạnh tranh quốc tế. Chỉ như vậy, ÐKKT mới tạo nên động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ở Việt Nam.
Xuất hiện mô hình đặc khu thế hệ mới
Thế giới đang đi rất xa trong tiếp cận tư duy mới về Ðặc khu kinh tế (ÐKKT). Nước láng giềng Trung Quốc đang cho xây dựng những mô hình đặc khu trong lòng đặc khu, xây dựng đặc khu Tiền Hải nằm trong lòng đặc khu Thẩm Quyến (Trung Quốc) đã có trước đó. Ðây là mô hình đặc khu thế hệ mới 3.0.
Ðây là một trong 4.500 đặc khu trên thế giới hiện nay, tồn tại và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau như “khu kinh tế”, “khu kinh tế tự do”, “khu kinh tế đặc biệt” hay “ÐKKT”, “đặc khu hành chính”, “khu tự trị”, “khu thí điểm thương mại tự do”, “khu vực hợp tác thương mại công nghiệp hiện đại”… và hiện tại trên thế giới có ít nhất 20 từ khác nhau mô tả các loại hình khu và đều được hiểu là các Khu kinh tế đặc biệt hoặc ÐKKT (Special Economic Zone), tuy nhiên đa số đều thống nhất xác định đặc khu kinh tế diễn nôm là khu vực được phân định ranh giới địa lý rõ ràng và được bảo đảm về mặt an ninh; có cơ chế quản lý và hành chính riêng biệt; là khu vực được hưởng các ưu đãi vượt trội về thuế, hải quan và có các đặc quyền cụ thể (FIAS, 2008).
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po,... đang triển khai và áp dụng thành công nhiều mô hình ÐKKT, khu kinh tế tự do, khu thương mại tự do và các mô hình này đã góp phần thu hút hàng nghìn tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trở thành cực tăng trưởng, cực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển. Gần đây nhất là Nhật Bản đã bắt đầu xây dựng ÐKKT quốc gia và xem đây là một trong các công cụ phục hồi kinh tế.
Và lựa chọn của Việt Nam
Trong vòng 5 năm qua, rất nhiều nỗ lực để xây đắp lên ý tưởng, hình hài cho mô hình ÐKKT theo kiểu Việt Nam – một mô hình thích ứng và khả thi với điều kiện của nước ta. Và cũng phải từng đó thời gian để đạt được sự thống nhất trong nhìn nhận, mô hình này sẽ là nơi mà một quốc gia có thể thử nghiệm thể chế, các chính sách kinh tế của mình, thử nghiệm trao quyền tự chủ cao và mức độ tự do hóa vượt trội so với thể chế hiện hành.
Vậy sẽ phải xây dựng mô hình ÐKKT kiểu Việt Nam như thế nào, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực đã có bước tiến dài về xây dựng ÐKKT? Dĩ nhiên, lúc này không dễ gì thu hút được nhà đầu tư bằng một vài ưu đãi tài chính. Trong thiết kế đặc khu, điều kiện kiến tạo cần đặt cao hơn điều kiện ưu đãi để thu hút mạnh đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư có tiềm lực, có công nghệ hiện đại. Và cũng không chỉ dừng lại ở đó, Nhà nước vẫn phải duy trì vai trò có ý nghĩa quyết định để tạo ra những công trình hạ tầng thiết yếu mang tính chất nền tảng.
Ðặt trong bối cảnh, các tiềm năng tĩnh của quốc gia như tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên, lao động giá rẻ đã tới hạn và không thể khai thác cạn kiệt hơn nữa, chúng ta sẽ phải tìm ra phương thức kích hoạt các tiềm năng động để tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn thông qua cải cách thể chế, kích thích sự sáng tạo, tiềm năng trí tuệ của con người.
Triển khai một ý tưởng phát triển mới, như ÐKKT, theo kiểu Việt Nam, có thể được coi là “mũi khoan vào tảng đá” của các nhóm lợi ích, thay đổi luật lệ và lề lối cũ. Ðã mất đến 5 năm để bàn đi tính lại rất kỹ. Dự kiến là Chính phủ thông qua mô hình vào tháng sau, sau đó trình Bộ Chính trị, trình Quốc hội phê duyệt, đồng thời với việc ban hành Luật Ðơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HC-KTÐB) trong năm nay.
Ðây là mô hình rất đặc biệt, chưa quy định tại các luật hiện hành. Do đó, xây dựng luật mang ý nghĩa như việc tạo dựng được sự đồng thuận trong xã hội cho một ý tưởng cải cách. Thí dụ như, một trong những điểm tạo được sự đột phá, đó là dự thảo Luật đề xuất cho nhà đầu tư trong một số lĩnh vực ưu tiên được thuê đất trong thời hạn 99 năm.
Hay như, phải tìm được ra mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đầy đủ các yếu tố của một cơ quan thực thi quyền lực nhà nước, chứ không phải mô hình quản lý của các khu kinh tế tập trung. ÐKKT phải có thể chế đủ mạnh với nền hành chính hiện đại, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thủ tục hành chính thuận lợi. Hiện nay, các mô hình khác nhau đang được đề xuất và thảo luận về tính hợp hiến và tính khả thi. Ðơn cử là mô hình có HÐND và UBND, mô hình không có HÐND và UBND chỉ tập trung vào vai trò Trưởng đặc khu, mô hình vẫn có HÐND và Chủ tịch được trao quyền như Trưởng đặc khu…
Mới đây, Hội đồng thẩm định Ðề án Thành lập đơn vị HC-KTÐB của Trung ương đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện 12 tiêu chí để tiến hành việc thẩm định các đề án xây dựng các đơn vị HC-KTÐB Vân Ðồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Với mỗi tiêu chí, Hội đồng thẩm định sẽ đánh giá theo một trong ba mức (tốt, đạt, chưa đạt) để từ đó có cơ sở thẩm định chất lượng từng đề án. Ðây là một cách làm khoa học và công tâm.
Dù làm gì thì làm, cải cách đến đâu, giá trị cốt lõi của việc xây dựng bất kỳ mô hình mới nào đều phải bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước; hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích của nhà đầu tư, của địa phương và người dân; bảo vệ tài nguyên, môi trường; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong dự thảo Luật Ðơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, phương án đưa ra cần phải đáp ứng cùng lúc hai yêu cầu, vừa phải bảo đảm tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, vừa bảo đảm giám sát kiểm tra và kiểm soát quyền lực.
Mặt khác, đề nghị Chính phủ giải trình thuyết phục hơn về câu hỏi tại sao khi ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương vào năm 2015, Quốc hội khóa XIII lại quy định tổ chức ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cấp chính quyền địa phương gồm có HÐND và UBND? Phải chăng trong giai đoạn mới này, mô hình tổ chức cấp chính quyền địa phương như trên không còn phù hợp với yêu cầu quản lý tập trung, điều hành quyết liệt, năng động kiến tạo của chính quyền ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt?
GS, TSKH Ðặng Hùng Võ: Ðổi mới trong chính sách đất đai
Theo tôi, dự thảo Luật Ðơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, sẽ cần tới ba chính sách đổi mới liên quan đến chính sách đất đai: Một là, đất xây dựng các bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch cũng có chế độ sử dụng đất tương đương như đất ở, tức là được sử dụng lâu dài; Hai là, người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam cũng được sở hữu các bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch tương đương như sở hữu nhà ở; Ba là, người nước ngoài được sở hữu bất động sản ở Việt Nam có các quyền giao dịch gồm chuyển đổi, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, cho thuê, được thuê mua, tặng cho, nhận tặng cho, thừa kế, nhận thừa kế, thế chấp, góp vốn, nhận góp vốn. Ðây cũng chính là nội dung cần sửa đổi đối với quy định tại Khoản 5, Ðiều 17 của Dự thảo Luật.