Kinh nghiệm quốc tế về mô hình đặc khu kinh tế: 4 tiêu chí hướng tới
Tiến trình xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế vừa là cuộc thử nghiệm về mô hình thể chế và quản trị vừa là cuộc cạnh tranh gay gắt nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, việc phát triển các đặc khu cần tư duy thật sự mới, dám đột phá, áp dụng những mô hình thể chế và quản trị tốt nhất, vừa bảo đảm cạnh tranh, vừa phù hợp với điều kiện phát triển của quốc gia. Để thành công, mô hình thể chế và quản trị của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần đáp ứng các tiêu chí sau.
Tính vượt trội
Tại sao là tính “vượt trội” chứ không phải “đặc thù”? Đó là sự khác biệt trong cách tiếp cận và tư duy nhằm thu hút nguồn lực từ bên ngoài trong quá trình hội nhập. Cạnh tranh và thu hút nguồn lực bằng sự đặc thù là tư duy hội nhập của những năm 1980. Tư duy hội nhập của thế kỷ XXI là cạnh tranh và thu hút nguồn lực bằng sự “vượt trội” về thể chế và quản trị.
Việc có được cơ chế “đặc thù” như tự chủ trong một số lĩnh vực mới chỉ là nỗ lực ban đầu để các địa phương xây dựng môi trường thể chế và quản trị vượt trội. Về bản chất, việc cho phép các địa phương có cơ chế “đặc thù” vẫn mang nặng cơ chế xin - cho và như vậy sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa địa phương “xin” được cơ chế đặc thù và địa phương không có. Điều quan trọng là các đặc khu cần phải biến cơ chế “đặc thù” thành sự “vượt trội” - tức là tạo ra sự khác biệt và lợi thế nhờ tính đặc thù đó.
Các thành phố hiện đại của thế kỷ XXI đều hướng tới mô hình thể chế và quản trị có sự vượt trội về mức độ tự do và tự chủ; vượt trội về mức độ quốc tế hóa; vượt trội về bộ máy (về các mặt hiệu quả, sự phục vụ, tính dân chủ…); và vượt trội về chất lượng dịch vụ công; kết nối chặt chẽ với nhau ở nhiều phương diện, hình thành mạng lưới “đô thị đẳng cấp” toàn cầu.
Tính thông minh
Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này phải hướng đến hệ thống dịch vụ công và bộ máy hành chính ưu việt, hiện đại. Trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cần đón bắt sự bùng nổ của kỹ thuật số và phổ biến điện thoại thông minh để triển khai các mô hình quản trị hiện đại như: Quản trị số, quản trị di động và quản trị thông minh. Cần mở rộng thủ tục trực tuyến ở mọi lĩnh vực dịch vụ công như: Cấp giấy phép, thanh toán dịch vụ, đăng ký khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, lương hưu, thuê bất động sản…
Công nghệ giúp nâng cao đáng kể chất lượng dịch vụ công thiết yếu (hành chính công, y tế, trường học, giao thông, môi trường…). Mô hình thành phố thông minh gắn liền với các hệ thống thông minh như: Trường học thông minh, bệnh viện thông minh, giao thông thông minh, năng lượng tái tạo thông minh, thu gom, xử lý rác thải thông minh… góp phần giải tỏa sức ép rất lớn đối với đô thị trong quá trình phát triển.
Tính đáng sống
Các đặc khu phải có những giá trị của một “thành phố đáng sống”. Đó là các giá trị như: Dân chủ, nhân văn, khoan dung, gắn kết cộng đồng và phát triển bền vững… Vai trò quan trọng của “thành phố đáng sống” là khả năng thu hút nguồn lực lưu động trên phạm vi toàn cầu như: Đội ngũ nhân tài, các triệu phú với khối tài sản khổng lồ, các nhà đầu tư, nhà đổi mới sáng tạo, nhóm doanh nhân và nguồn vốn.
Đây là những nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới văn hóa - xã hội, nâng tầm ảnh hưởng của thành phố trong việc thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu. Thành phố nào “đáng sống hơn” sẽ chiến thắng trong cuộc đua tranh, giành giật nhân tài, tri thức và ý tưởng sáng tạo trên phạm vi toàn cầu.
Tính liên kết
Các đặc khu cần có khả năng liên kết tốt nhất và là những mắt xích đầu tiên trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tiễn thế giới cho thấy, sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ quốc tế vào xây dựng các đặc khu là yếu tố quyết định sự thành - bại của các khu này.
Do bỏ vốn đầu tư xây dựng, các nhà đầu tư chiến lược cũng sẽ tham gia vào quá trình quản trị và điều hành đặc khu. Chiến lược này sẽ tránh được rủi ro mà nhiều đặc khu đang gặp phải là sau khi thành lập không thu hút được đủ nguồn vốn đầu tư.