Ổn định lãi suất để thúc đẩy sản xuất
Mức lãi suất huy động vốn của hầu hết các Ngân hàng trong những tháng đầu năm 2016 đều tăng nhưng vẫn nằm dưới mức trần. Với nhiều lý do khác nhau, hiện lãi suất đang có xu thế tăng. Vì thế việc điều hành lãi suất cần phải phù hợp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Thực ra đó cũng là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi bàn về lãi suất tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước chiều 22/4/2016 vừa qua. Nhìn lại tình hình huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về mức lãi suất huy động tiền gửi những tháng đầu năm 2016, cho thấy, có 15 tổ chức tín dụng (TCTD) tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1-0,2%/năm và 6 TCTD giảm lãi suất bình quân từ 0,1-0,3%/năm. Mặt bằng bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5-5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5-7,2%/năm.
Trước đó, NHNN cũng đã có quy định từ ngày 18-3-2014 trở đi, trần lãi suất huy động là 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng còn 1%/năm. Đối với những ngân hàng thương mại có uy tín cao, thanh khoản tốt, nguồn vốn dồi dào, có thể ấn định mức lãi suất thấp xa so với mức trần còn những Ngân hàng nhỏ, uy tín thấp hơn có thể ấn định một mức lãi suất cao hơn nhưng phải đảm bảo dưới trần cho phép.
Nhưng quan sát mức tăng lãi suất trong thời gian vừa qua cũng thấy một vài điểm cần lưu ý, đó là lúc các Ngân hàng quy mô nhỏ tăng mức lãi suất thì một số Ngân hàng lớn lại giữ nguyên mức lãi suất. Sau đó các Ngân hàng nhỏ giảm lãi suất thì các Ngân hàng lớn này lại tăng mức lãi suất. Kết quả đó dường như cho thấy việc tăng lãi suất huy động chưa tạo thành xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh…
Tuy nhiên, sau một loạt động thái tăng mức lãi suất huy động của một số Ngân hàng lớn, nhỏ sát với trần đã khiến nhiều người đề nghị NHNN bỏ trần lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam. Còn về phía Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên quyết yêu cầu các Ngân hàng thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất huy động, không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn...
Đánh giá vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo việc điều hành lãi suất phải phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016, theo hướng ổn định mặt bằng lãi suất. Phó Thủ tướng yêu cầu “Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và giảm nợ xấu, bảo đảm không tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện lãi suất đang có chiều hướng tăng bởi ba yếu tố:
Thứ nhất, một lượng tiền lớn từ Ngân hàng đang chạy vào kênh trái phiếu chính phủ (TPCP). Chỉ trong 5 tháng, từ tháng 11/2015 đến hết tháng 3/2016, số lượng TPCP đã bán thành công 173.000 tỷ đồng tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là áp lực cho việc tăng lãi suất khi các Ngân hàng muốn huy động thêm vốn.
Thứ hai, là tác động của dự thảo Thông tư số 36 với quy định điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống còn 40%, buộc các Ngân hàng phải tăng nguồn vốn trung, dài hạn nếu muốn phát triển tín dụng. Thêm vào đó, quy định tỷ lệ tín dụng trên tổng vốn huy động không được vượt quá 80% đối với các Ngân hàng thương mại cổ phần (trừ các NHTMCP do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ và NHTM Nhà nước thì tỷ lệ này không được vượt quá 90%) cũng buộc các NH phải tính đến cách tăng lãi suất để dễ huy động vốn.
Thứ ba, đó là tình trạng lạm phát đang tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát tăng là áp lực không nhỏ cho việc buộc phải tăng lãi suất tiền gửi nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Rất may, nhờ sự điều hành khôn khéo của NHNN nên thị trường vàng khá ổn định. Giá vàng có nhiều lúc nằm sâu dưới giá vàng thế giới nên tác động và lực hút của nó đối với vốn và lãi suất ngân hàng đã bớt sức nặng. Ngoài ra, thị trường chứng khoán, bất động sản và cả tỷ giá đồng VN với USD cũng chưa tạo ra nhiều cơ hội sinh lời lớn nên tác động của chúng vào lãi suất Ngân hàng vẫn còn là một ẩn số.
Do đó, việc giải quyết vấn đề ổn định mức lãi suất là không hề đơn giản, cần thực hiện tổng hợp nhiều lĩnh vực. Tất nhiên đó là việc phải làm để thúc đẩy kinh doanh, sản xuất phát triển. Bởi theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì trong quý I/2016, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, giải thể lên đến trên 20.000, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số thành lập mới cũng chỉ đạt 23.767. Nếu để tăng lãi suất thì các DN lại càng khó cầm cự chứ chưa nói đến phát triển.