Ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Để hạn chế tác động từ những yếu tố bất lợi lên mặt bằng giá, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, nhất là các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong các đợt nắng nóng sắp tới để có phương án điều hành giá phù hợp, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mặt bằng giá chịu nhiều sức ép

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2016 tăng 0,54% so với tháng 4/2016. Đây là tháng có tốc độ tăng CPI so với tháng trước ở mức cao kể từ đầu năm 2016 trở lại đây.

Đáng chú ý trong tháng 5/2016, cả 11 nhóm hàng hóa - dịch vụ chính đều có CPI tăng. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5/2016 tăng 2,28%. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,59%.

Lạm phát cơ bản theo thước đo CPI, sau khi loại trừ lương thực – thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục, tháng 5/2016 tăng 0,25% so với tháng trước; 5 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,78%.

Nhận định diễn biến thị trường trong tháng 6/2016, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, có một số yếu tố dự báo gây sức ép lên mặt bằng giá. Trong đó, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt tăng..., tác động tăng giá các hàng hóa, dịch vụ này. Tháng 6 cũng là tháng nghỉ hè của học sinh nên nhu cầu đi du lịch tăng, sẽ tác động làm tăng giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, giá dịch vụ du lịch.

Cùng với đó, thị trường còn có thể bị tác động bởi giá thóc gạo tại miền Nam do lo ngại về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng bất lợi đến nguồn cung. Giá một số nguyên nhiên vật liệu như xăng dầu, khí hóa lỏng, thép chịu tác động bởi xu hướng tăng trên thị trường thế giới. Đồng thời, thị trường hàng hoá, dịch vụ còn chịu tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong ngày 20/5/2016. Ngoài ra, một số địa phương có thể tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục theo lộ trình thị trường.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý giá cũng cho biết, do nguồn cung đa số các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên thị trường trong nước khá dồi dào; việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng tới.

Cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh giá

Trước việc lạm phát tăng trở lại với áp lực rất lớn trong thời gian tới, trong phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu: “Không để lạm phát năm 2016 tăng cao, không để diễn biến lạm phát trong những tháng đầu năm làm tăng lạm phát kỳ vọng”.

Triển khai ý kiến chỉ đạo này và để lạm phát năm 2016 được kiểm soát trong giới hạn 4 - 5% như yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp đã được đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Trong đó, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý giá theo tiến độ đã đề ra; các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, nhất là các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong các đợt nắng nóng sắp tới, các mặt hàng thiết yếu bị ảnh hưởng bất lợi tới nguồn cung để có phương án điều hành giá phù hợp. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ.

Đi đôi với đó là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí; giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá...

Ngoài ra, cần tiếp tục điều hành giá năng lượng và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016. Tiếp tục từng bước thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công lập theo đúng quy định, trong đó chú trọng đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp để tránh gây tác động đột biến tới mặt bằng giá cả thị trường năm 2016.

Hiện giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế đã thực hiện được bước 1, nhìn chung không tác động lớn đến kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, dự kiến khi thực hiện bước 2 sẽ tác động làm tăng CPI lớn hơn. Do đó, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Bộ Y tế có phương hướng thực hiện triển khai điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình phù hợp, tránh tác động mạnh đến lạm phát, góp phần ổn định đời sống nhân dân và bảo đảm khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.