Ổn định tỷ giá: Những khuyến nghị của chuyên gia

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Cần có những biện pháp giảm thiểu các hạn chế và rủi ro của cơ chế điều hành tỷ giá hiện thời, đây là khuyến nghị chính sách được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra trong báo cáo “Kinh tế vĩ mô 2014”, công bố ngày 26/6.

Cần thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn với những biện pháp giảm thiểu rủi ro và hạn chế của cơ chế hiện thời. Nguồn: internet
Cần thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn với những biện pháp giảm thiểu rủi ro và hạn chế của cơ chế hiện thời. Nguồn: internet
Rủi ro bất ổn tỷ giá
 
Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong hai năm (2012- 2013), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động hơn trong việc thông tin về định hướng điều hành tỷ giá, giữ tỷ giá ổn định; việc điều hành thanh khoản ngoại tệ cũng được lưu tâm hơn, thông qua các hoạt động của NHNN với vai trò là người mua/người bán cuối cùng trên thị trường và hạn chế trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng.

Về lý thuyết, giữ ổn định tỷ giá sẽ có ảnh hưởng tích cực đến kiểm soát lạm phát thông qua việc tạo dựng niềm tin vào đồng nội tệ, ổn định giá cả hàng hóa tiêu dùng và đầu vào nhập khẩu. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, việc giữ tỷ giá ổn định cũng tiềm ẩn một số rủi ro, bất ổn. Đó là, lạm phát dù đã được kiểm soát tốt nhưng vẫn ở mức cao so với thế giới, dẫn đến tiền đồng đang được định giá cao, gây áp lực dồn nén đến tỷ giá. Nhóm nghiên cứu của báo cáo phân tích: Yếu tố tâm lý và đầu cơ vẫn có thể đe dọa sự ổn định của thị trường ngoại hối, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu đang được tranh luận và áp lực lạm phát đang phần nào suy giảm.
 
Từ những phân tích thực tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay là neo cố định theo USD, theo đó, rủi ro bất ổn tỷ giá đang bị dồn ép, việc kiểm soát cung tiền và lạm phát đang gặp thách thức. Ngoài ra, giữ tỷ giá cố định trong thời gian quá dài không tạo được động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, cũng như không khuyến khích được gia tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng của các ngành, hàng xuất khẩu.
 
Cần tránh xu hướng điều chỉnh tăng đột ngột một chiều tỷ giá sau đó giữ nguyên tỷ giá chính thức trong thời gian dài mà nên tạo một khuôn khổ linh hoạt hơn cho tỷ giá với sự thay đổi tỷ giá chính thức có lên, có xuống với mức điều chỉnh nhẹ với tần suất nhiều hơn.
 
Khuyến nghị từ thực tế
 
Định hướng chung, theo Ủy ban Kinh tế, là cần thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn với những biện pháp giảm thiểu rủi ro và hạn chế của cơ chế hiện thời. Khuyến nghị được cơ quan này đưa ra là, trong giai đoạn ngắn hạn trước mắt (2014-2015), cần có cơ chế kiểm soát vốn hiệu quả để có thể ổn định được tỷ giá ở mức độ nhất định cùng với gia tăng dự trữ ngoại hối đủ lớn và nâng cao hiệu quả các biện pháp trung hòa để chống lại các cú sốc; cải thiện được tính độc lập của chính sách tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro bất ổn khó lường.
 
Việc neo giữ chặt vào đồng USD khiến lựa chọn chính sách trở nên thu hẹp hơn. Báo cáo chỉ ra rằng, kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, chuyển sang cơ chế neo giữ một giỏ tiền tệ là một lựa chọn hợp lý, vừa giữ được ổn định tỷ giá ở mức độ nhất định, vừa bảo đảm tính linh hoạt của chính sách. Việt Nam hiện nay đã đáp ứng đủ các điều kiện cho việc neo tỷ giá theo giỏ tiền tệ bởi độ mở kinh tế nước ta lớn nhưng lại không bị lệ thuộc chủ yếu vào một đối tác cụ thể nào. Vì thế, cơ chế này không những không khiến Việt Nam bị tác động mạnh bởi các cú sốc từ thị trường tiền tệ bên ngoài mà còn giúp Việt Nam ngăn chặn tốt hơn các cú sốc từ thị trường hàng hóa quốc tế.

Đặc biệt, để tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá trong giới hạn ổn định cho phép, cần tăng biên độ dao động của tỷ giá ngân hàng thương mại xung quanh tỷ giá chính thức thay vì vẫn giữ ở mức 1% hiện nay.