Online Friday 2018, sẽ có nhiều sản phẩm giá 0 đồng hoặc giảm sốc 80 - 90%

PV.

“Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday” đã được Chính phủ phê duyệt tổ chức thường niên vào ngày Thứ 6 đầu tiên của tháng 12, Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì. Theo đó, sự kiện ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm nay sẽ diễn ra vào lúc 2h ngày Thứ 6, 7/12/2018 với chủ đề “Giảm giá siêu chất và chất lượng chính hãng”.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kỹ thuật số (Bộ Công Thương) cho biết: Điểm gây chú ý sự kiện năm nay là từ 2018 Online Friday sẽ là chương trình khuyến mãi trực tuyến tập trung do Chính phủ tổ chức, triển khai theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018.

Theo đó, các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. “Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định”, ông Đặng Hoàng Hải cho hay.

Các sản phẩm chính hãng và thương hiệu dự kiến sẽ xuất hiện trong Chương trình Online Friday năm 2018 gồm: Samsung, Oppo, LG, Jysk, Jetstar, Vinamilk, Sunhouse, Asano, Động Lực, Mattana, May 10, Laneige, TheFaceShop, Anbico, Canifa, Fahasa, Nagakawa, Uma, Aristino, Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Lotte, Adayroi, Thế giới di động, FPT shop, ViettelStore…

Đại diện Cục Thương mại điện tử và kỹ thuật số cho biết: Ban Tổ chức sẽ phối hợp với các hệ thống so sánh giá để đảm bảo các sản phẩm trước khi được đưa lên hệ thống được kiểm tra giá so với giá thị trường. “Tuy là năm đầu áp dụng chương trình này và do các doanh nghiệp tự triển khai, nhưng chắc chắn Online Friday năm 2018 sẽ có các sản phẩm có giá 0 đồng hoặc giảm giá sốc 80 - 90%”, ông Đặng Hoàng Hải thông tin.

Được biết, để người dân thực sự có thể mua được đồ tốt, giá rẻ nhưng không phải hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn, Ban tổ chức cũng đã yêu cầu doanh nghiệp viết cam kết và khi đưa sản phẩm lên hệ thống phải có văn bản, cung cấp thông tin chứng nhận về xuất xứ của hàng hoá. “Sau khi mua hàng, khách hàng có thể gửi phản hồi về hàng hóa đó với phía Ban tổ chức, nếu xác minh thật sự có vấn đề, toàn bộ hàng hóa của doanh nghiệp đó sẽ bị gỡ xuống khỏi chương trình”, Ông Đặng Hoàng Hải nhận định.