PCA: Bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về “đường 9 đoạn”

Hà Phương

Sau hơn 3 năm xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ngày 12/7 ra phán quyết cuối cùng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo đó, PCA đã bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về các quyền lịch sử đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn”.

Phán quyết của PCA có ý nghĩa quan trọng về vấn đề Biển Đông.
Phán quyết của PCA có ý nghĩa quan trọng về vấn đề Biển Đông.


Trung Quốc phải tôn trọng Luật pháp quốc tế

Theo phán quyết của PCA, Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”. Tòa cũng kết luận rằng, không một cấu trúc nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế.

PCA cũng có những phán quyết rất rõ ràng liên quan đến việc Trung Quốc can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông, các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi trực tiếp cản trở các tàu của Philippines, đồng thời nhấn mạnh hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc các bên đang nỗ lực để giải quyết vấn đề.


Trên thực tế, việc Trung Quốc đơn phương công bố yêu sách “đường 9 đoạn” và trong nhiều năm qua liên tục có những hành động nhằm “hiện thực hóa” yêu sách này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế.

Nhiều nước đã đưa ra hàng loạt bằng chứng lịch sử và pháp lý xác thực chứng tỏ tính vô lý trong yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra hòng chiếm gần trọn Biển Đông. Vì thế, phán quyết của PCA là cơ sở pháp lý để khẳng định rằng yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là hoàn toàn vô căn cứ.

Đặc biệt, phán quyết của PCA cũng chỉ rõ Trung Quốc đang có những hành động không phù hợp với UNCLOS mà nước này cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết và phê chuẩn.

Theo PCA, các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc trên 7 cấu trúc của quần đảo Trường Sa đã gây hại nghiêm trọng môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương cũng như môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị hủy diệt.

Xét về tuân thủ UNCLOS thì Trung Quốc là nước thành viên đang đi ngược với các quy định của công ước này, và thể hiện cho thế giới thấy Bắc Kinh không phải là một thành viên có trách nhiệm khi phớt lờ luật pháp quốc tế.

Có thể nói, việc PCA ra phán quyết cuối cùng dựa trên UNCLOS đã thể hiện vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua con đường hòa bình, từ đó góp phần tránh các biện pháp sử dụng vũ lực. Quan trọng hơn, đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cũng tạo cơ sở để các vấn đề tranh chấp tại vùng biển này có thể được giải quyết theo đúng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Tạo động lực giải quyết các vấn đề ở Biển Đông

Sau khi PCA ra phán quyết, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã cho rằng, phán quyết của PCA có tính ràng buộc về pháp lý và tạo động lực trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm ở Biển Đông bằng con đường hòa bình.

Các học giả quốc tế và khu vực cũng như dư luận thế giới kêu gọi các bên tôn trọng và đàm phán về việc thực thi phán quyết.

Hơn 30 năm qua, UNCLOS vẫn được cộng đồng quốc tế nhìn nhận như một bước tiến quan trọng trong việc thiết lập trật tự trên biển, bởi vậy, bất kỳ thành viên nào của công ước cũng có trách nhiệm tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục trong đó, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan.

Tuy nhiên, trong phản ứng đầu tiên, Trung Quốc đã thể hiện một thái độ thiếu thiện chí khi tuyên bố nước này “không chấp nhận cũng như không công nhận” phán quyết của PCA, cho rằng phán quyết của PCA là “không có cơ sở, vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc”.

Đáng chú ý, Trung Quốc còn có những hành động ngang ngược, đơn phương trên Biển Đông sau tuyên bố của PCA. Động thái này của Bắc Kinh cho thấy, chính nước này đang làm tổn hại hình ảnh chính trị của mình trên trường quốc tế. Bởi vì, Trung Quốc là một cường quốc trên nhiều lĩnh vực, đồng thời là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, càng cần phải thể hiện là một đối tác có trách nhiệm trong việc bảo vệ, duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.

Biển Đông vốn là một trong những tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu trên thế giới và liên quan tới lợi ích của nhiều bên, bởi vậy, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông luôn là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu.

Như vậy, phán quyết của PCA có ý nghĩa quan trọng trên Biển Đông; các bên liên quan cần phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên vùng Biển Đông. Mọi phản ứng thái quá hay hành động coi thường và phớt lờ luật pháp quốc tế sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và làm phức tạp tình hình./.