PCA: Các bên phải tuân thủ phán quyết
Ngay sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) ngày 12/7/2016 công bố phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó kết luận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, dư luận thế giới và Việt Nam hết sức hoan nghênh, đồng thời khẳng định, phán quyết này sẽ là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để các bên giải quyết tranh chấp xung quanh vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Phán quyết mang tính lịch sử
Các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia chính trị quốc tế đã đưa ra nhiều bằng chứng và lý lẽ khẳng định, phán quyết của PCA mang tính lịch sử và có giá trị pháp lý quốc tế. Đặc biệt, trong tình hình tranh chấp trên Biển Đông giữa các nước trong khu vực ngày càng trở nên phức tạp như hiện nay.
Tính lịch sử của phán quyết này thể hiện ở chỗ đã đặt ra những nguyên tắc quan trọng, làm thay đổi cục diện tranh chấp trên Biển Đông trong thời gian tới. Năm nội dung chính mà Toà trọng tài đã ra phán quyết ủng hộ Philippines thiết lập nền tảng định hướng cho các quốc gia khác có thể là bên khởi kiện chính, hoặc bên bị ảnh hưởng, cụ thể là:
1. Bác bỏ quyền lịch sử đối với tài nguyên trong “đường 9 đoạn”;
2. Khẳng định các cấu trúc (thực thể địa lý) thuộc Trường Sa không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý;
3.Các hoạt động của Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biên xung quanh bãi cạn Scaborough là vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982;
4. Các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây hại cho môi trường biển;
5. Tất cả những hoạt động đó của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tranh chấp.
Hiện nay, có 10 vụ tranh chấp đã và đang được giải quyết theo thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 của UNCLOS năm 1982.
Phân tích về tính lịch sử của phán quyết này, GS. Kurihara Hirohide, Chuyên gia quan hệ Việt - Trung thuộc Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Á - Phi, trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo cho rằng, phán quyết của PCA mang ý nghĩa lịch sử quan trọng. Bởi vì, phán quyết này đã bám sát luật pháp quốc tế và được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử và hiện trạng Biển Đông.
Theo GS. Hirohide, việc Trung Quốc không chấp nhận và không công nhận phán quyết của PCA thể hiện thái độ không tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều đó sẽ khiến Bắc Kinh bị mất uy tín trên trường quốc tế.
Đồng quan điểm trên, TS. Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất để các quốc gia xác lập, thực thi chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia trên biển, cũng như quản trị, sử dụng biển và đại dương vì mục đích hoà bình. Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 của UNCLOS là hợp pháp.
“Việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các thủ tục tài phán theo quy định của UNCLOS là biện pháp văn minh, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Khi các bên tranh chấp không thể giải quyết bằng biện pháp hoà bình thì lựa chọn thủ tục tài phán để giải quyết là cần thiết, công bằng và khách quan”, TS. Ngô Hữu Phước nói.
Thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 là một trong những biện pháp tài phán theo quy định của UNCLOS năm 1982 đang được nhiều quốc gia lựa chọn bởi tính linh hoạt và mềm dẻo của nó. Chính vì vậy, nghiên cứu các thủ tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp này là hết sức cần thiết đối với Việt Nam và các quốc gia khác trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Còn theo GS. Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, phán quyết này thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong giải quyết và vận dụng UNCLOS năm 1982. Phán quyết có khả năng ứng dụng toàn cầu khi mà UNCLOS được xem như hiến chương của đại dương thế giới.
Yêu cầu các bên thực thi phán quyết
Gần 1 tháng kể từ khi PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, cho tới nay, nhiều nước trên thế giới tiếp tục bày tỏ quan điểm ủng hộ phán quyết mang tính lịch sử, đồng thời kêu gọi các bên liên quan tuân thủ phán quyết.
Theo phán quyết của PCA, Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”. Tòa cũng kết luận rằng, không một cấu trúc nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế.
PCA cũng có những phán quyết rất rõ ràng liên quan đến việc Trung Quốc can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông, các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi trực tiếp cản trở các tàu của Philippines, đồng thời nhấn mạnh hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc các bên đang nỗ lực để giải quyết vấn đề.
Trên thực tế, việc Trung Quốc đơn phương công bố yêu sách “đường 9 đoạn” và trong nhiều năm qua liên tục có những hành động nhằm “hiện thực hóa” yêu sách này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế.
Nhiều nước đã đưa ra hàng loạt bằng chứng lịch sử và pháp lý xác thực chứng tỏ tính vô lý trong yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra hòng chiếm gần trọn Biển Đông. Vì thế, phán quyết của PCA là cơ sở pháp lý để khẳng định rằng yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là hoàn toàn vô căn cứ.
Bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, ông Shekhar Sinha, cựu Phó Đô đốc Hải quân Ấn Độ nhấn mạnh, phán quyết của PCA liên quan tới vấn đề Biển Đông là một phán quyết đúng đắn và hoàn toàn tuân theo UNCLOS. Ông cũng hy vọng các bên liên quan sẽ tuân thủ phán quyết, đồng thời cho rằng, phán quyết này vượt cả kỳ vọng khi bác bỏ tuyên bố “chủ quyền lịch sử” và yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Xét về tuân thủ UNCLOS thì Trung Quốc là nước thành viên đang đi ngược với các quy định của công ước này, và thể hiện cho thế giới thấy Bắc Kinh không phải là một thành viên có trách nhiệm khi phớt lờ luật pháp quốc tế.
“Việc Trung Quốc từ chối thẩm quyền của hội đồng trọng tài này, tôi cho rằng là không có cơ sở và thiếu tính pháp lý. Bởi vì, Trung Quốc đã tham gia vào UNCLOS năm 1982. Như vậy, với tư cách là một quốc gia đã cam kết thì họ phải tuân thủ các quy định của UNCLOS chứ không thể là từ chối thẩm quyền của cơ quan tài phán được thành lập quy định của Công ước này"., GS., TS. Donald Rothwell, Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Australia nói.
Hoan nghênh phán quyết
Sau phán quyết ngày 12/7 của PCA về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc tại Biển Đông, các học giả, nhà nghiên cứu, các tổ chức và các đảng phái chính trị đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết của tòa và coi đây là quyết định đúng đắn, chính đáng và mang lại chân lý cho các quốc gia đang đấu tranh vì chủ quyền hợp pháp của mình.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn tin tưởng vào phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS năm 1982 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
“Chúng tôi ghi nhận phán quyết được PCA công bố ngày 12/7. Tôi hy vọng phán quyết này sẽ được sử dụng để tạo ra xung lực tích cực giúp tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho tranh chấp ở Biển Đông”, ông Donald Tusk nói.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên tiếng thúc giục các bên liên quan hãy tuân theo phán quyết của PCA. Chính phủ Nhật ủng hộ mạnh mẽ tầm quan trọng của luật pháp và việc sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay cưỡng chế, trong việc tìm kiếm giải quyết tranh chấp hàng hải.
Phán quyết của PCA là cuối cùng và ràng buộc đối với các bên tranh chấp theo quy định của UNCLOS, các bên trong vụ trọng tài này phải tuân theo phán quyết. Nhật Bản hy vọng rằng, việc tuân thủ của các bên với phán quyết này cuối cùng sẽ dẫn đến việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho rằng, “Chính phủ Australia kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết, hiện là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc đối với cả hai bên. Đây là một cơ hội để các nước đến gần nhau hơn, và để tất cả các bên tuyên bố chủ quyền hướng tới đối thoại dựa trên cơ sở quyền hàng hải rõ ràng”.
Thượng nghị sĩ Dan Sullivan thuộc Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đã hoan nghênh phán quyết của PCA, đồng thời nhận định, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông. Ông Sullivan hối thúc Trung Quốc thể hiện là một bên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và tuân thủ phán quyết của tòa.
Đồng quan điểm, Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink tuyên bố, Mỹ ủng hộ các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao hòa bình, trong đó có cơ chế trọng tài PCA, đồng thời hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết.
Điều đáng chú ý, trong những ngày vừa qua, các nước Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Argentina và nhiều quốc gia khác trên thế giới đã liên tiếp lên tiếng ca ngợi và hoan nghênh phán quyết của PCA về Biển Đông. Đây có thể được coi là phán quyết mang tính pháp lý quốc tế có tính ràng buộc cao, đòi hỏi các bên phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế.
Biển Đông vốn là một trong những tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu trên thế giới và liên quan tới lợi ích của nhiều bên, bởi vậy, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông luôn là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu.
Như vậy, phán quyết của PCA có ý nghĩa quan trọng trên Biển Đông; các bên liên quan cần phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên vùng Biển Đông. Mọi phản ứng thái quá hay hành động coi thường và phớt lờ luật pháp quốc tế sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình./.