PEMNA T-CoP chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài sản cố định, định giá và đăng ký tài sản
Cộng đồng Hành nghề Kho bạc - Mạng lưới Quản lý Chi tiêu công châu Á (PEMNA T-CoP) vừa tổ chức Hội nghị “Quản lý tài sản cố định, định giá và đăng ký tài sản" theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị diễn ra dưới sự điều hành của ông Fabian Seiderer - Người Điều hành PEMNA T-CoP, Trưởng nhóm Khu vực công, Ngân hàng Thế giới. Tại điểm cầu Kho bạc Nhà nước (KBNN) Việt Nam có bà Vũ Thanh Huyền - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và đại diện lãnh đạo, công chức các đơn vị liên quan tham dự.
Các nội dung được các diễn giả tập trung thảo luận, chia sẻ tại Hội nghị gồm: Tổng quan về quản lý tài sản cố định; các khái niệm về quản lý tài sản; vai trò, lợi ích của quản lý tài sản; lộ trình quản lý tài sản hạ tầng; nguyên tắc chỉ đạo của hệ thống quản lý tài sản, các nội dung trong quản lý tài sản; thông lệ tốt nhất về cơ chế quản lý hạ tầng… Hội nghị cũng dành phần lớn thời gian để các đại biểu trao đổi, hỏi - đáp các diễn giả.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Theuns Henning, Chuyên gia quốc tế về quản lý tài sản đã giới thiệu tổng quan về chủ đề “Quản lý tài sản cố định, định giá và đăng ký tài sản”. Ngay sau phần trình bày của TS. Theuns Henning là phần trình bày của các nước thành viên là Hàn Quốc, Philippines, Malaysia. Tiếp theo là đại diện của Campuchia và Timor-Leste cập nhật các tình huống phát sinh trong quản lý tài sản...
Theo TS. Theuns Henning, Quản lý tài chính công cần tối đa hóa các kết quả kinh tế xã hội cho người nộp thuế, thông qua việc cải cách về quản lý tài sản cố định; thiết lập thông lệ tốt nhất về quản lý tài sản đòi hỏi cần có sự chỉ đạo ở cấp chính quyền trung ương; năng lực về quản lý tài sản của các cơ quan cần phải có lộ trình 3-5 năm. Đặc biệt, tạo điều kiện về định giá tài sản là bước đầu tiên hướng tới hình thành năng lực quản lý tài sản, cơ sở dữ liệu là nền tảng cho các quy trình quản lý tài sản.
“Nên có một nhóm hỗn hợp gồm nhân sự kỹ thuật và kế toán để xác định các việc cần làm khi hướng dẫn định giá tài sản lần đầu và định kỳ”, TS. Theuns Henning nhận định.
Kinh nghiệm của Philipines chia sẻ tại Hội nghị cũng được các đại biểu quan tâm, với hệ thống đăng ký tài sản quốc gia là phần mềm tự xây, bao gồm tài sản tài chính và phi tài chính, lựa chọn các tài sản chiến lược của Chính phủ để định giá và quản lý trước...
Do hạn chế về thời gian Hội nghị nên còn nhiều nội dung, câu hỏi cụ thể của các đại biểu còn chưa được giải đáp, Trưởng ban Thư ký PEMNA Dr. Kyoungsun Heo kết luận đây sẽ là chủ đề cho các hoạt động của PEMNA trong thời gian tới.
PEMNA là mạng lưới học hỏi giữa các đồng nghiệp gồm cán bộ và chuyên gia về quản lý tài chính công trong khu vực.
PEMNA được thành lập từ năm 2012 theo sáng kiến của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc, với mục tiêu hỗ trợ các Chính phủ trong khu vực giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính công và nâng cao hiệu quả chi tiêu công, thông qua việc tạo ra diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài chính công giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Bộ Tài chính Việt Nam tham gia PEMNA ngay từ khi mạng lưới được thành lập và có những đóng góp tích cực đóng vào hoạt động của cả mạng lưới, cũng như từng cộng đồng hành nghề.