Chống thất thu ngân sách nhà nước:
Phải đảm bảo công bằng giữa các hộ kinh doanh
Làm việc với các chi cục thuế về công tác chống thất thu ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ.
Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đều yêu cầu, việc chống thất thu phải đảm bảo sự công khai, minh bạch và công bằng giữa các hộ kinh doanh.
Những con số biết nói…
Tại buổi làm việc với Chi cục Thuế quận Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ với các cán bộ, công chức chi cục, ông Bùi Văn Nam đã thông báo vắn tắt những kết quả mà ngành Thuế đã đạt được. Ông Nam cho biết: “Nếu tính mốc 6 tháng đầu năm năm 2016, thu ngân sách nhà nước (NSNN) của toàn ngành Thuế đạt 393.546 tỷ đồng, bằng 48,6% so với dự toán. Với đà này, thu NSNN năm 2016 sẽ đạt và vượt dự toán được giao.
Tuy nhiên, trong khi thu ngân sách địa phương đạt 56%, thì thu ngân sách Trung ương mới đạt 42%”. Theo phân tích của ông Nam, sở dĩ ngân sách Trung ương đạt thấp là do giá dầu thô thấp hơn so với dự toán mà Quốc hội giao (dự toán đầu năm mà Quốc hội giao là 60 USD/thùng, nhưng giá bình quân 6 tháng chỉ đạt 39,8 USD/thùng, giảm 20,2 USD/thùng so với giá dự toán - PV).
“Cứ giảm 1 USD/thùng dầu, thì ngân sách giảm thu 1.500 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm ngân sách giảm thu hơn 30.000 tỷ đồng. Ngoài giảm thu từ dầu thô, các đơn vị có nguồn thu liên quan đến dầu thô tại các tỉnh, thành phố như: Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội đều giảm theo. Vì thế, áp lực với ngành Thuế hiện nay là làm sao để đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương”, ông Nam nói.
Cũng theo Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, từ năm 2014 đến nay, thực hiện các Nghị quyết 19 (2014 - 2016) của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, ngành Thuế đã giảm được 420 giờ nộp thuế, còn 117 giờ/năm. Với việc giảm số giờ nộp thuế cho doanh nghiệp (DN), mỗi năm tiết kiệm cho xã hội khoảng 7.000 tỷ đồng. “Theo Nghị quyết 19 năm 2016, sự thuận lợi về thuế của Việt Nam phải đạt mức ASEAN-4, tức số giờ nộp thuế trung bình là 119 giờ/năm.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có 71% số người được hỏi đồng tình với cải cách thủ tục hành chính thuế. Không chỉ có vậy, ngành Thuế đã giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, trong 2 năm (2015 - 2016), đã cắt giảm được 95 thủ tục về thuế, đơn giản hóa 90 thủ tục, được cộng đồng DN đánh giá cao; về khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử, hiện đã có 99% số DN đang hoạt động khai thuế qua mạng, 95% số DN đăng ký nộp thuế điện tử. Như vậy ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết 19 đề ra”, ông Nam chia sẻ.
Những con số mà Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam chia sẻ với các cán bộ, công chức Chi cục Thuế quận Cầu Giấy trên đây không phải là mới, nó được báo chí đề cập nhiều trong những ngày qua. Nhưng nếu để ý, theo dõi hoạt động của ngành Thuế, thì đây là những con số mang rất nhiều ý nghĩa, đó là những con số biết nói. Nó thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu của hơn 4 vạn cán bộ, công chức toàn ngành Thuế đã cùng nhau đoàn kết, sát cánh, vượt qua khó khăn… Tất cả là nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và DN.
Chống thất thu cả về doanh số và số hộ
Không chỉ cổ vũ, biểu dương các cán bộ, công chức toàn ngành Thuế về những kết quả đã đạt được, tại các buổi làm việc với Chi cục Thuế quận 5, Chi cục Thuế quận Phú Nhuận, Chi cục Thuế quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh), Chi cục Thuế TP.Huế về công tác chống thất thu đối với DN ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cũng đã chia sẻ những khó khăn, áp lực của cán bộ thuế trước yêu cầu tăng thu NSNN, cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao cho ngành Thuế thời gian qua.
“Trong bối cảnh thu NSNN còn nhiều khó khăn, có ý kiến cho rằng cần phải tăng thu thuế để bù đắp chi. Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu không tăng thuế, mà phải tạo điều kiện cho DN phát triển, từ đó tăng thu cho NSNN. Như vậy, không còn cách nào khác, ngành Thuế chúng ta phải chống thất thu thuế, nơi nào còn dư địa thì chúng ta phải thu. Bên cạnh đó, khi chúng ta tạo sự thuận lợi cho người nộp thuế, cũng đồng nghĩa với việc cán bộ thuế chúng ta phải làm nhiều việc hơn, mang cái khó khăn về cho mình”, ông Nam chia sẻ.
Để động viên tinh thần làm việc của cán bộ, công chức thuế, ông Bùi Văn Nam đã yêu cầu lãnh đạo các cục thuế, chi cục thuế phải quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức thuế, tạo môi trường làm việc thuận lợi để công chức yên tâm làm việc. Trước yêu cầu của một số chi cục về việc nâng cấp hệ thống máy tính để phục vụ công tác, ông Nam đã ngay lập tức chỉ đạo lãnh đạo Cục Công nghệ Thông tin nghiên cứu, rà soát những đơn vị có nhu cầu để bổ sung ngay.
Do việc điều tra, xác minh doanh thu của các hộ kinh doanh rất khó khăn, nên ông Nam đã yêu cầu các chi cục thuế phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cụ thể là Đảng ủy, HĐND, UBND địa phương để cả hệ thống chính trị vào cuộc. “Làm gì thì làm, chúng ta phải tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tôi kêu gọi các đồng chí trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải tuân thủ đúng quy trình quản lý thuế. Ngoài chống thất thu về doanh số, phải chống thất thu về số hộ kinh doanh”, ông Nam nói.