Phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: Tồn kho gần 1.500 tỷ đồng
Vốn bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) hiện chưa phân bổ vẫn còn gần 1.500 tỷ đồng. Trong khi nhiều dự án đang “khát vốn” để đưa công trình vào cuộc sống, thì đây là số vốn không nhỏ.
16 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn
Nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí cho thực hiện các CTMTQG năm 2019 khoảng trên 68.337 tỷ đồng.
10 tháng năm 2019, giải ngân nguồn vốn này đạt hơn 52% kế hoạch giao, thấp hơn mức giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương trung bình và không đồng đều trong cả nước. 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước; nhưng có 25 địa phương có tỷ lệ thấp hơn bình quân chung; có một số địa phương gần như chưa giải ngân.
Sở dĩ nguồn vốn CTMTQG giải ngân chậm cho vướng mắc trong phân bổ kế hoạch vốn. Theo quy định, thời hạn gửi báo cáo phân bổ kế hoạch thực hiện các CTMTQG về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31/3 năm kế hoạch. Tuy nhiên, tính đến gần cuối tháng 10/2019, phân bổ chi tiết vốn 2 CTMTQG là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đạt hơn 91% kế hoạch giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là hơn 1.499 tỷ đồng. Trong đó, khối trung ương quản lý đã hoàn thành phân bổ chi tiết vốn, còn khối địa phương quản lý, số vốn đã phân bổ chi tiết là hơn 16.485 tỷ đồng; có đến 16/53 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch được giao (với số vốn chưa phân bổ là hơn 1.499 tỷ đồng).
Báo cáo gửi đến Quốc hội mới đây, Chính phủ cũng đã nhận định, công tác phân bổ, giao dự toán thực hiện các CTMTQG ở địa phương chậm so với quy định và thực hiện rải rác, không tập trung. Nhiều địa phương đến 31/5/2019 mới giao hết số vốn CTMTQG xây dựng nông thôn mới kế hoạch năm 2019 đến từng dự án. Công tác chấp hành chế độ báo cáo của các địa phương về phân bổ, sử dụng nguồn vốn cũng chưa đảm bảo đúng thời hạn quy định. Đến hết ngày 30/5, có 37/54 địa phương báo cáo, ngày 30/6 mới có đầy đủ các địa phương báo cáo (theo quy định báo cáo trước 31/3).
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, trong tổ chức thực hiện do còn tâm lý chủ quan, vì được kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm, đầu năm chỉ tập trung giải ngân vốn kéo dài của kế hoạch năm 2018 sang năm 2019. Điều này dẫn đến tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 trong những tháng đầu năm đạt thấp. Nhiều địa phương không thực hiện quy định về phân cấp CTMTQG trên địa bàn cấp xã theo quy định, nên hàng năm HĐND cấp tỉnh vẫn phải thông qua kế hoạch vốn đầu tư chi tiết tới từng dự án, công trình của từng xã, dẫn tới chậm giao kế hoạch vốn đầu tư và giải ngân vốn đầu tư năm 2019.
Nhiều địa phương thời gian qua cũng gặp khó khăn trong xác định tiêu chí “có sự tham gia của người dân” khi áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù để thực hiện các dự án đầu tư nhóm C, quy mô nhỏ của CTMTQG giảm nghèo bền vững. Điều này dẫn đến việc phân bổ vốn cho các dự án khởi công mới và giải ngân nguồn vốn đầu tư chậm.
Tăng cường giám sát các CTMTQG
Theo đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do khâu tổ chức thực hiện chứ không phải do vướng mắc do luật. Theo ông, công tác lập quy hoạch, kế hoạch dự án thực hiện thiếu chủ động, không sát với nhu cầu thực tế chủ trương. Có nơi thì chỉ khảo sát qua loa rồi đưa vào danh mục đầu tư, phê duyệt cho kịp thời gian quy định. Cùng với đó, công tác đầu tư, lập dự án còn nhiều bất cập. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn năng lực yếu. Cơ quan có trách nhiệm thẩm tra, thẩm định thiếu kinh nghiệm dẫn đến dự án phải điều chỉnh nhiều lần.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm có giải pháp căn cơ và quyết liệt hành động để khắc phục dứt điểm hạn chế này. Đồng thời, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, xử lý công khai những người đứng đầu để giải ngân chậm, giải ngân không hết vốn phân bổ và giao theo kế hoạch của năm tài chính.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nói chung và dự án CTMTQG nói riêng, từ đó đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này. Trong đó, giải pháp là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, hoạt động, dự án thành phần của từng chương trình.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù đã được phê duyệt (Đề án 712 về môi trường; Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã; Đề án 1385; Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới; Đề án phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại của Việt Nam) và các chính sách giảm nghèo bổ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, các cơ quan chức năng đôn đốc, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai 11 nội dung thành phần để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng chú trọng vào chất lượng, tính bền vững; rà soát, đánh giá hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các CTMTQG, tập trung vào tình hình phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và đối ứng ngân sách địa phương.