Xây dựng dự toán chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như thế nào?

PV.

Kể từ ngày 25/8/2017, một số quy định mới liên quan đến xây dựng dự toán chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu năm 2018 sẽ được thực hiện theo Thông tư số 71/2017/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông tư số 71/2017/TT-BTC ngày 13/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2008 và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2018-2020, trong đó có quy định về việc xây dựng dự toán chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu.

Theo đó, đối với các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu đã được phê duyệt, các bộ, cơ quan trung ương được giao là chủ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, tổng mức vốn, kinh phí đã được duyệt, mức đã bố trí năm 2016, 2017 và số kiểm tra năm 2018, Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương lập dự toán vốn, kinh phí thực hiện chương trình phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Ngoài ra, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tại quyết định phê duyệt từng chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, hướng dẫn bổ sung của cơ quan quản lý chương trình, thực hiện lập dự toán chi thực hiện các chương trình, chi tiết theo từng nguồn vốn, từng dự án, nội dung, nhiệm vụ, kinh phí sự nghiệp, vốn đầu tư, nguồn ngân sách trung ương, nguồn đối ứng ngân sách địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan chủ chương trình theo quy định.

Các cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu tổng hợp, đề xuất nhu cầu vốn, kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Thông tư số 71/2017/TT-BTC cũng quy định rõ, dự toán phải kèm thuyết minh chi tiết chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ của từng dự án, nhiệm vụ.

Trong khi đó, đối với các chương trình mục tiêu chưa có quyết định phê duyệt, căn cứ Nghị quyết số 73/2016/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 20/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 và các quyết định giao vốn đầu tư trung hạn còn lại của cấp có thẩm quyền, trên cơ sở nội dung, tiến độ phê duyệt các chương trình mục tiêu, các cơ quan quản lý chương trình mục tiêu hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện chương trình xây dựng dự toán chương trình mục tiêu năm 2018 theo đúng quy định.

Riêng đối với dự toán kinh phí sự nghiệp, theo quy định của Thông tư số 71/2017/TT-BTC, cơ quan chủ quản chương trình mục tiêu rà soát lại các yêu cầu, nhiệm vụ để xây dựng dự toán phù hợp với dự toán vốn đầu tư được giao cho chương trình.

Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ hướng dẫn của cơ quan quản lý chương trình, thực hiện lập dự toán chi thực hiện các chương trình, chi tiết theo từng nguồn vốn, từng dự án, nội dung, nhiệm vụ, kinh phí sự nghiệp, vốn đầu tư, nguồn ngân sách trung ương, nguồn đối ứng ngân sách địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan chủ chương trình theo quy định.

Các cơ quan chủ chương trình mục tiêu tổng hợp dự toán thực hiện chương trình mục tiêu gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; kèm thuyết minh chi tiết chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư, kinh phí sự nghiệp của từng dự án, nhiệm vụ.