Phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ giảm nợ đọng thuế xuống 69.000 tỷ đồng
Tổng cục Thuế vừa ban hành Thông báo số 445a/TB-TCT về triển khai thực hiện kết luật của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về thực hiện công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục thuế tập trung thực hiện các giải pháp mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối thoại với người nộp thuế để tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý thu, tăng cường công tác chống gian lận thương mại, chống chuyển giá.
Cơ quan thuế các cấp cần tập trung thanh, kiểm tra các doanh nghiệp (DN) thuộc các ngành nghề có rủi ro cao, các DN được hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu qua đường biên giới đất liền, các DN được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, đồng thời khẩn trương đôn đốc kịp thời các khoản thu theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước. Phấn đấu cả năm 2018 thu vượt ngân sách nhà nước tối thiểu 3-5% so với dự toán được Quốc hội giao.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu, Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế thuế có công văn chỉ đạo các cục thuế thực hiện rà soát, xây dựng sửa đổi các cơ chế chính sách về quản lý, cưỡng chế và xử lý nợ thuế, đảm bảo hành lang pháp lý, tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần làm tốt công tác xử lý thu hồi nợ thuế.
Đối với các cục thuế cần xây dựng phương án xử lý thuế nợ đọng báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài chính trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế sẽ phê duyệt phương án xử lý nợ đọng đối với từng Cục thuế.
Vụ Quản lý nợ cần phối hợp với các đơn vị chức năng, các Cục thuế thực hiện kiểm tra, giám sát việc xử lý nợ đọng thuế, lập các đoàn kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề về công tác quản lý và xử lý nợ đọng. Phấn đầu đến thời điểm 31/12/2018, tổng số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý không vượt quá 69.000 tỷ đồng.