Phấn đấu năm 2030 tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy đạt 108 tỷ USD

Hoa Sơn

Đây là một trong những mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Việt Nam phấn đấu phát triển ngành Dệt May và Da Giầy là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế.
Việt Nam phấn đấu phát triển ngành Dệt May và Da Giầy là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.

Mục tiêu tổng quát nhằm phát triển ngành Dệt May và Da Giầy là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giầy hàng đầu thế giới.

Đến năm 2035, ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.

Trong giai đoạn 2021-2030, Chính phủ cũng phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước bình quân giai đoạn đạt 6,8%-7,0%/năm, trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 7,2%-7,7%/năm.

Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước năm 2025 đạt 77-80 tỷ USD và năm 2030 đạt 106-108 tỷ USD.

Đến năm 2025, thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp ngành Dệt May và Da Giầy đạt trên 90% mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước và phấn đấu giảm dần khoảng cách với mức bình quân chung cả nước.

Đến năm 2030, phấn đấu thu nhập của lao động ngành Dệt May và Da Giầy đạt tương đương mức thu nhập của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần khoảng cách với mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước.

Phấn đấu giai đoạn 2031-2035, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, da giầy đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững; thời trang Việt Nam được ghi danh trên bản đồ thời trang thế giới với các sự kiện về thời trang thu hút được sự quan tâm và tham gia của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới.