Phân khúc khách sạn cao cấp: Áp lực kép
Dịch vụ lưu trú đang có sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt ở phân khúc các khách sạn cao cấp chuẩn 4 - 5 sao.
Từ năm 2015, kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Lượng khách quốc tế liên tục tăng, từ 7,9 triệu lượt của năm 2015 lên mức 10 triệu lượt vào năm 2016 và theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 8 tháng đầu năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,2 triệu lượt, tăng 35,1% so cùng kỳ năm 2016. Du khách đến Việt Nam tăng đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các khu lưu trú.
Áp lực thị trường
Tại buổi báo cáo kết quả khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2017 của Grant Thornton Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua, ông John Garner, Tổng giám đốc Khách sạn Caravelle (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi tích cực từ 2015 - 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng nhưng họ chủ yếu chọn khách sạn từ 3 sao trở xuống.
Đây là điều mà cách nay 3 năm không hề xảy ra. Hàng không giá rẻ phát triển là chất xúc tác quan trọng kích thích ngành du lịch. Đối với ngành lưu trú, một trong những rủi ro tác động đến hoạt động của các khách sạn có thể kể là sự thay đổi nhu cầu của khách và thị trường.
Năm 2016, khách quốc tế tăng 26% nhưng khách sạn 2 - 3 sao mở nhiều nên đã có sự thay đổi trong lựa chọn. Hơn nữa, theo ông Tào Văn Nghệ - Chủ tịch Odyssea Hospital, đơn vị quản lý chuỗi khách sạn Liberty, căn hộ dịch vụ (service apartment) cũng chia sẻ khách với khách sạn 4 - 5 sao. Đó là lý do mà khách quốc tế tăng nhưng tỷ lệ lắp đầy và giá cả của khách sạn 4 - 5 sao lại giảm hoặc tăng không đáng kể.
Ngay như năm 2016, theo thống kê của Grant Thornton Việt Nam, giá phòng bình quân cho khách sạn 4 sao đạt 75 USD/phòng/đêm, tăng 3,8% so với năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn mức 87,2 USD của năm 2014. Trong khi với phân khúc 5 sao lại ở mức 104,4 USD/phòng/đêm, thấp hơn mức 106,8 USD của năm 2015 và 110,1 USD của năm 2014.
Thêm nữa, tỷ lệ lắp đầy ở cả hai phân khúc, khách sạn 4 - 5 sao đều tăng trong giai đoạn từ 2014 - 2016. Phía Grant Thornton Việt Nam đánh giá, năm 2016 là thời điểm hồi phục của ngành khách sạn khi công suất phòng của khách sạn cao cấp tăng.
Tuy nhiên, với việc nguồn cung phòng đang có xu hướng tăng và nhiều dự án dự kiến ra mắt trong thời gian tới, cạnh tranh trên thị trường khách sạn cao cấp được dự đoán sẽ nóng lên, đặc biệt là khách sạn 5 sao. Trên 90% số khách sạn 5 sao được hỏi trong khảo sát của Grant Thornton đều cho rằng, yếu tố tác động đến công suất phòng của họ cũng như khiến họ e ngại nhất là nguồn cung mới.
Sức ép từ nguồn cung
Nguồn khách của các khách sạn thuộc phân khúc cao cấp chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp, cụ thể là doanh nghiệp nước ngoài nên TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, hai đầu tàu kinh tế chính của Việt Nam được xem là nơi cung cấp chính nguồn cung mới khách sạn cao cấp. Ngay như TP. Hồ Chí Minh, trong 3 năm tới, khoảng 3.500 phòng từ khoảng 13 khách sạn tư nhân sẽ mở ra khắp thành phố, trong đó có khoảng 9 khách sạn hạng sang.
Tại Hà Nội, lượng khách quốc tế đạt kỷ lục 4 triệu lượt vào năm 2016, tăng 21% so với năm trước đó. Báo cáo mới đây của Jones Lang Lasalle (JLL) với tựa đề "Việt Nam - Điểm sáng cho ngành du lịch và lưu trú” ghi nhận có khoảng 3.000 phòng của 12 khách sạn sẽ mở tại Hà Nội, với hầu hết nguồn cung mới này trong phân khúc cao cấp, sẽ đáp ứng nhu cầu khách doanh nghiệp ngày càng tăng.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, hãng điện tử Samsung (Hàn Quốc) là khách hàng doanh nghiệp lớn của các khách sạn cao cấp tại Hà Nội. Ông Tony Chisholm - Tổng quản lý của Accor Hotels tại Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện, những khách hàng doanh nghiệp như Tập đoàn Samsung, có lúc nhu cầu về lưu trú của họ lên đến 3.000 - 4.000 phòng/đêm.
Điều này đặt ra hai vấn đề cho các nhà quản lý khách sạn, thứ nhất là áp lực về số lượng phòng đủ để cung ứng và giá cả, do họ đặt phòng với số lượng lớn nên có quyền thương lượng. Thứ hai là các nhà quản lý phải cân nhắc bài toán kinh doanh do sự tác động từ nguồn cung mới trong tương lai, bởi một khi nhu cầu đủ lớn, họ sẽ tự xây cơ sở lưu trú ở Việt Nam như đã làm ở các thị trường khác.
Tuy sự phụ thuộc vào Samsung cùng một số khách hàng doanh nghiệp khác tạo ra đến 80% tổng số phòng bán được cho các khách sạn thuộc phân khúc cao cấp, nhưng theo các nhà quản lý, để phát triển bền vững và tránh bị phụ thuộc vào một nguồn khách (tác động đến doanh thu phòng và dễ bị làm giá), việc đa dạng nguồn cung phòng vào ban đêm (phân loại nguồn khách để chia bớt cho các khách sạn tầm trung, dạng boutique...) sẽ là chìa khóa cho họ khi thị trường tiếp tục tăng trưởng.