Phân loại, xử lý rác hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường: Cách làm hay của TP. Hà Nội

PV. (t/h)

Lượng rác thải trung bình của TP. Hà Nội hiện nay khoảng 7.000 tấn/ngày, trong đó có khoảng 10-15% không được thu gom, xử lý đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Với việc triển khai các mô hình, cách làm hay trong phân loại và xử lý rác thải đã và đang góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hình thành thói quen tích cực, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tại Hà Nội, nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng đã được xây dựng và triển khai, góp phần bảo vệ môi trường của Thủ đô luôn xanh, sạch, đẹp.
Tại Hà Nội, nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng đã được xây dựng và triển khai, góp phần bảo vệ môi trường của Thủ đô luôn xanh, sạch, đẹp.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình và việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy rác thải rắn đã và đang trở thành vấn đề nan giải, thách thức lớn với công tác quản lý đô thị, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay và tương lai. Thống kê sơ bộ cho thấy, lượng rác thải trung bình của TP. Hà Nội hiện nay khoảng 7.000 tấn/ngày, trong đó có khoảng 10-15% không được thu gom, xử lý.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường của Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã và cơ sở đổi mới phương thức truyền thông, nâng cao nhận thức cho hội viên về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng đã được xây dựng và triển khai như: “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng một lần”, “Thùng rác thân thiện”, “Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”, “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch”… Các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường của các cấp Hội Phụ nữ TP. Hà Nội đã góp phần quan trọng trong việc dần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tích cực, nếp sống văn minh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Điển hình trong số đó là mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” đang triển khai thí điểm tại các huyện của Hà Nội. Chẳng hạn với “Mô hình thu gom phân loại rác và xử lý rác hữu cơ” trên địa bàn huyện Đông Anh, đến tháng 3/2023, Huyện đã có 54.140 gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn, đạt 57% tổng số hộ; có 41.160 hộ tham gia phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn, đạt 43%. Hay như tại quận Nam Từ Liêm, sau 2 năm triển khai Dự án “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các hoạt động phân loại, tái chế bền vững”, đa có 20 buổi tập huấn được tổ chức, 9.000 hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn, 24 trường học, 19.000 học sinh được tuyên truyền về việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, phải kể đến các mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình đã, đang được các ban, ngành các xã của huyện Phú Xuyên triển khai điểm thời gian qua với hàng trăm hộ tham gia. Hiện nay, mỗi ngày toàn huyện Phú Xuyên có khoảng 115 tấn rác thải sinh hoạt cần xử lý. Do vậy, các mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn nếu được triển khai sâu rộng đến 100% hộ trên địa bàn sẽ là việc làm đầy ý nghĩa.

Việc thu gom rác thải bảo vệ môi trường của Hội Nông dân, đoàn viên thanh niên tại các xã trong huyện Phú Xuyên thời gian qua đã tạo thành phong trào có tính lan tỏa, thu hút hơn các hộ gia đình tích cực tham gia. Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên Trương Vinh Quang, thời gian tới, địa phương đặt mục tiêu mỗi xã sẽ có 1 - 2 mô hình điểm về xử lý, phân loại rác tại nguồn. Đối với các xã là làng nghề truyền thống, mục tiêu là 100% số hộ sẽ tham gia thực hiện.

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc phân loại rác thải tại nguồn đã góp phần giảm lượng rác phát sinh; tuy nhiên, nhận thức, ý thức về việc phân loại rác thải tại nguồn và việc xử lý rác tại gia đình còn hạn chế do người dân vẫn quen với việc chuyển giao rác thải chưa được phân loại… Do vậy, để thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức của người dân Thủ đô, thời gian tới chính quyền các cấp cũng cần vào cuộc, cùng với các tổ chức đoàn thể tham gia tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến từng hộ dân, khu dân cư, tổ dân phố, cùng đồng hành với người dân trong bước đầu thực hiện phân loại rác tại gia đình… Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường của Thủ đô luôn xanh, sạch, đẹp và gìn giữ một "Hà Nội xanh" trong mắt du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.