Phân tích báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp trong ngành Dược Việt Nam
Phân tích báo cáo tài chính có một vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cũng như là công cụ hỗ trợ các nhà quản lý ra quyết định quản lý, hỗ trợ các nhà đầu tư ra các quyết định đầu tư. Trên cơ sở nghiên cứu công tác phân tích báo cáo tài chính tại các công ty hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, bài viết đánh giá ưu điểm, hạn chế công tác phân tích báo cáo tài chính, từ đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện nội dung, phương pháp lập và phân tích báo cáo tài chính.
Đặt vấn đề
Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình thoát khỏi quỹ đạo khó khăn. Quá trình sàng lọc và cạnh tranh lẫn nhau của các doanh nghiệp là điều tất yếu xảy ra. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Muốn vậy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đưa ra được các quyết định tối ưu trên cơ sở các thông tin tài chính được trình bày và phân tích đầy đủ, kịp thời.
Vì vậy, việc nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoạt động tài chính thông qua công tác lập và phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp là việc làm không thể thiếu trong công tác quản lý tài chính nhằm đưa ra những quyết định quan trọng về chiến lược sản xuất và kinh doanh kịp thời và hiệu quả.
Triển vọng ngành Dược
Dân số ngày càng già, tăng trưởng của nền kinh tế, người tiêu dùng chi tiêu cho các vấn đề về sức khỏe ngày càng tăng mở ra một thị trường tiềm năng với các doanh nghiệp dược phẩm, BMI đưa ra dự báo tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2012 – 2022 khoảng 10,6%, chi tiêu thuốc bình quân đầu người tiếp tục giữ vững ở mức 14%.
Các doanh nghiệp dược Việt Nam có được sự chú ý rất cao đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như: Taisho Pharmaceutical (Nhật Bản) đầu tư vào Dược Hậu Giang, Abbott Laboratories (Chile) Holdco SpA - Công ty con của Tập đoàn Abbott Mỹ đầu tư vào DOMESCO, Stada Service Holding B.V (Hà Lan) – một công ty con của hãng dược phẩm Stada (Đức) đầu tư vào Pymepharco,…các doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản xuất thuốc.
Xu hướng đầu tư mở rộng các nhà máy từ chuẩn hướng dẫn thực hành sản xuất tốt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO – GMP) lên chuẩn của châu Âu (EU – GMP) để được đấu thầu thuốc (ETC) giúp các doanh nghiệp cạnh tranh hơn vào kênh ETC (chiếm 70% thị trường thuốc). Tuy nhiên, sẽ mất một khoảng thời gian ít nhất 3 năm, để đầu tư và nghiên cứu phát triển, xây dựng nhà máy để sản xuất các sản phẩm thuốc chất lượng cao.
Theo Thông tư số 11/2016/TT-BYT, “đối với thuốc thuộc Danh Mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về Điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp do Bộ Y tế công bố thuộc tiêu chí kỹ thuật của nhóm thuốc nào thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu thuộc nhóm đó”, như vậy với các doanh nghiệp trong nước đáp ứng đủ yêu cầu của Bộ Y tế sẽ gia tăng được thị phần từ kênh đấu thầu thuốc (ETC), tuy nhiên đến nay thông tư này chưa mang lại hiệu quả nhiều và Bộ Y tế đang sửa đổi thông tư này.
Định giá ngành Dược còn tương đối rẻ so với các nước trong khu vực, giá thị trường/thu nhập trên 1 cổ phiếu (P/E) ngành Dược ở Việt Nam hiện nay khoảng 13,7 trong khi đó ngành dược Trung Quốc có P/E 32,8, Thái Lan có P/E 35 hay Malaysia có P/E 18.
Tiềm năng ngành Dược trong triển vọng dài hạn là rất khả thi, tuy nhiên những dự án mở rộng, tăng công suất vẫn còn chưa nhiều, cần có những hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), các chiến lược nhận diện thương hiệu thuốc và sản phẩm thuốc hiện nay còn tương đối ít. Mặt khác, tình trạng cạnh tranh gay gắt với thuốc nhập khẩu và phụ thuộc vào các chính sách, dẫn đến đầu ra vẫn luôn là bài toán của các doanh nghiệp dược hiện nay.
Tổng quan về các công ty dược
Các sản phẩm dược đang lưu hành trên thị trường Việt Nam xét trên nguyên liệu sản xuất có 2 loại là tân dược và đông dược. Tân dược chiếm tới 90% tổng giá trị toàn ngành, giá trị của đông dược không đáng kể. Trong khi hầu hết thuốc đông dược được sản xuất trong nước từ nguyên liệu nhập ngoại thì tân dược bao gồm cả hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Thuốc tân dược phân theo tác dụng đang lưu hành trên thị trường gồm 15 nhóm, trong đó 5 nhóm chính đã chiếm tới khoảng 70% giá trị thị trường gồm kháng sinh, chuyển hóa dinh dưỡng, tim mạch, thần kinh và hô hấp. Trong đó thuốc kháng sinh và thuốc chuyển hoá dinh dưỡng phổ biến nhất, chiếm lần lượt 21,4% và 21,7%.
Trong khi thuốc nhập khẩu tập trung vào dòng thuốc biệt dược có giá trị cao thì thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là thuốc gốc, thông thường, đơn giản, gần như không có thuốc chuyên khoa, đặc trị. Có thể thấy cơ cấu thuốc sản xuất là mất cân đối do các nhà sản xuất trong nước chủ yếu khai thác các sản phẩm có công nghệ đơn giản mang lại lợi nhuận cao như vitamin, thuốc hạ nhiệt, giảm đau.
Các công ty dược đã là những người hoạt động hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong thời đại dân số già, chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên và sự phát triển liên tục của các loại thuốc mới và cực kỳ sinh lợi. Các nhà đầu tư đang tìm cách đầu tư vào các công ty dược phẩm tốt nhất đang phải đối mặt với một loạt các công ty giao dịch công khai để lựa chọn. Để đưa ra lựa chọn sáng suốt, nhà đầu tư cần xem xét các tỷ lệ tài chính quan trọng nhất hữu ích trong phân tích và đánh giá vốn chủ sở hữu của các công ty dược phẩm.
Các công ty dược phẩm được đặc trưng bởi chi phí vốn cao cho nghiên cứu và phát triển (R & D) và phải chịu đựng một khoảng thời gian dài giữa nghiên cứu ban đầu và cuối cùng đưa sản phẩm ra thị trường. Khi một sản phẩm dược phẩm tiếp cận thị trường, công ty cần xác định mức giá cao mà công ty có thể đưa ra cho một loại thuốc để kiếm được lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình càng nhanh càng tốt. Các tỷ số tài chính quan trọng của các công ty dược phẩm là những tỷ lệ liên quan đến chi phí R&D, khả năng quản lý mức nợ và lợi nhuận cao của công ty.
Khi một công ty dược phẩm quản lý để đưa sản phẩm ra thị trường, một yếu tố quan trọng là làm thế nào công ty có thể sản xuất và bán sản phẩm. Do đó, nó cũng hữu ích cho các nhà đầu tư để xem xét các tỷ lệ lợi nhuận cơ bản, chẳng hạn như biên độ hoạt động và tỷ suất lợi nhuận ròng. Biên lợi nhuận hoạt động, thước đo cơ bản của doanh thu trừ chi phí sản xuất, cho biết công ty quản lý chi phí tốt như thế nào và tỷ suất lợi nhuận ròng là chỉ số lợi nhuận cuối cùng nhận được sau khi trừ tất cả các chi phí của công ty, bao gồm thuế và lãi.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP, dự báo tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030. Với mức tăng trưởng nhanh trong sản xuất dược phẩm nội địa ở Việt Nam cho thấy, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu dược phẩm và trở thành trung tâm dược phẩm, y tế của khu vực.
Trong đó, riêng về thị trường dược phẩm, Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD, tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD. Với tiềm năng và đà tăng trưởng như vậy, kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp nhóm ngành dược phẩm đều ghi nhận mức tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, nhất là sau đại dịch COVID-19.
Phân tích tình hình tài chính ngành Dược
Ngành Dược phẩm là một ngành đang tăng trưởng với tốc độ khá cao bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn. Điều này được thể hiện ở cả tốc độ tăng của doanh thu và tổng tài sản. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm thấp nhất trong giai đoạn này là năm 2016, tuy nhiên, vẫn ở mức khá cao là 10%. Tốc độ tăng trưởng khả quan và ổn định cho thấy tính hấp dẫn về dung lượng thị phần của ngành, từ đó khuyến khích các công ty trong ngành đầu tư mở rộng sản xuất, tăng trưởng quy mô tài sản.
Trong quá trình tăng trưởng tài sản, quy mô tài sản dài hạn và tỷ trọng tài sản dài hạn trên tổng tài sản có xu hướng gia tăng. Tỷ trọng tài sản dài hạn trên tổng tài sản đã tăng từ mức 24% cuối năm 2021 lên mức 31% cuối năm 2022. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong ngành tích cực đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất để mở rộng quy mô kinh doanh.
Rủi ro tài chính của ngành
Trong giai đoạn 2017 – 2022, ngành Dược phẩm đã liên tục gia tăng mức độ sử dụng nợ nhằm tài trợ cho quá trình tăng trưởng. Hệ số nợ trên tổng tài sản của ngành đã gia tăng từ mức 32% cuối năm 2017 lên mức 40% cuối năm 2022. Tuy nhiên, hệ số nợ này vẫn thấp hơn 50% cho thấy đây vẫn là đòn bẩy tài chính ở mức độ vừa phải. Trong cơ cấu nợ của ngành, chiếm tỷ trọng chủ đạo là nợ ngắn hạn dùng để tài trợ cho vốn lưu động. Tại thời điểm cuối năm 2022, nợ ngắn hạn chiếm 92% tổng nợ phải trả.
Riêng nhóm 5 công ty đầu ngành (bao gồm Dược Hậu Giang, Domesco, Traphaco, Mekophar và Imexpharm), mặc dù hệ số nợ có xu hướng gia tăng, tuy nhiên, hệ số nợ ở mức thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành. Kết quả này phù hợp với lý thuyết trật tự phân hạng về tài trợ, đó là các công ty này sinh lời tốt, có quy mô lợi nhuận lớn so với nhu cầu đầu tư mới, do đó, họ chủ yếu dựa vào nguồn vốn nội sinh là lợi nhuận để lại và không cần huy động nhiều các nguồn tài trợ bên ngoài, khiến hệ số nợ duy trì ở mức thấp.
Khả năng thanh toán của ngành Dược phẩm
Trong giai đoạn 2017 – 2022, khả năng thanh toán của ngành có xu hướng giảm. Khả năng thanh toán hiện hành đã giảm từ mức 2,6 lần cuối năm 2017 xuống mức 1,9 lần cuối năm 2022. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là mức khả năng thanh toán khá cao. Khả năng thanh toán lãi vay trong giai đoạn 2017 – 2022 có sự giảm sút do ngành tăng cường sử dụng đòn bẩy tài chính và do lãi suất trong giai đoạn này có xu hướng tăng. Tuy nhiên, khả năng thanh toán lãi vay vẫn duy trì ở mức 6,9 lần năm 2022 là một mức cao. Do đó, nhìn chung, ngành Dược phẩm vẫn có khả năng thanh toán tốt, nhận được tín nhiệm của các ngân hàng và đây là cơ sở để các doanh nghiệp của ngành có thể tiếp cận thuận lợi vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi.
Khả năng sinh lời của ngành Dược phẩm
Ngành Dược phẩm về cơ bản là ngành duy trì được tỷ suất lợi nhuận ở mức khá cao và ổn định, ngay cả trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp khó khăn. Điều này cho thấy Ngành có rủi ro kinh doanh thấp mà nguyên nhân chính là do cầu về sản phẩm dược ít co giãn với giá cả. Chính vì vậy, nhà sản xuất có thể chuyển gánh nặng chi phí gia tăng sang người mua thông qua việc tăng giá sản phẩm đầu ra.
Trong giai đoạn 2017 – 2022, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng bất lợi của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, lợi nhuận trên vốn (ROE) tối thiểu của ngành giai đoạn này vẫn ở mức 15,4% tại năm 2017, một mức tỷ suất lợi nhuận khả quan. Giai đoạn 2017 – 2022, tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu của ngành có xu hướng giảm dần. Điều này một phần quan trọng xuất phát từ việc cạnh tranh trong Ngành trở nên gay gắt hơn khiến biên lợi nhuận giảm dần.
Hệ thống chỉ tiêu trong phân tích báo cáo tài chính tại Công ty ngành Dược
Trong phân tích tài chính doanh nghiệp (DN), phân tích báo cáo tài chính (BCTC) đóng vai trò quan trọng nhất. Phân tích BCTC cung cấp các thông tin tài chính rõ ràng nhất về tình hình tài chính, tình hình vốn, công nợ... cho nhà quản trị DN kịp thời đưa ra các quyết định điều hành. Do vậy, phân tích hệ thống chỉ tiêu phân tích BCTC là hoạt động không thể thiếu của bất kỳ DN nào muốn thắng thế trong cạnh tranh và phát triển trong nền kinh tế thị trường. Các chỉ tiêu cần chú ý: (1) Cơ cấu vốn và nguồn vốn; (2) Khả năng thanh toán ngắn hạn, dài hạn; (3) Khả năng sinh lời; (4) Hiệu quả kinh doanh; (5) Rủi ro tài chính; (6) Các chỉ số đòn bẩy tài chính
Thực trạng nội dung, phương pháp lập và phân tích báo cáo tài chính tại công ty ngành Dược
Nội dung, phương pháp lập báo cáo tài chính
Các số liệu trên BCTC là cơ sở quan trọng trong việc nghiên cứu, phân tích để tính ra các chỉ tiêu kinh tế khác nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả của quá trình sản xuất - kinh doanh của Công ty. Đây là căn cứ quan trọng trong việc phát hiện ra khả năng tiềm tàng, để ra các quyết định quản lý, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh hay đầu tư vào công ty.
Hệ thống báo cáo tài chính của Công ty niên độ năm 2022 áp dụng theo Thông tư số 200/2014/TT - BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính gồm: Bảng cân đối kế toán Mẫu số B01 – DN; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B02 – DN; Bản thuyết minh báo cáo tài chính Mẫu số B09 - DN
Trong đó, Bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh được lập cuối mỗi quý và cuối mỗi năm tài chính, còn thuyết minh BCTC được lập vào cuối năm tài chính.
Công ty tuân thủ nghiêm túc yêu cầu cũng như nguyên tắc lập và trình bày BCTC được quy định tại chuẩn mực số 21 - Trình bày BCTC và các quy định kế toán liên quan khác.
Yêu cầu lập và trình bày BCTC: Trung thực, hợp lý; Lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán đảm bảo cung cấp thông tin thích hợp với nhu cầu ra quyết định kinh tế của người sử dụng và cung cấp được các thông tin đáng tin cậy.
Thực trạng phân tích báo cáo tài chính
Công ty ngành Dược đã thực hiện phân tích cơ cấu và sự biến động của tài sản và nguồn vốn căn cứ vào bảng cân đối kế toán và sử dụng phương pháp so sánh. Cụ thể:
- So sánh tổng tài sản và nguồn vốn giữa cuối kỳ và đầu năm cũng như chi tiết đối với từng tài sản (cả về số tuyệt đối và tương đối) để xác định sự biến động của tài sản, qua đó, đánh giá chung nhất về quy mô sản xuất kinh doanh, năng lực kinh doanh của công ty, từ đó, xác định được việc tăng giảm đó có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình tài chính của công ty.
- Xác định tỷ trọng của từng loại tài sản chiếm trong tổng tài sản cũng như trong quy mô chung để thấy được việc phân bổ tài sản hợp lý hay không.
- So sánh cuối kỳ với đầu năm (cả về số tuyệt đối và tương đối) của từng loại nguồn vốn để thấy được tổng nguồn vốn tăng hay giảm là do nợ phải trả hay do nguồn vốn chủ sở hữu.
- Xác định tỷ trọng của từng loại nguồn vốn trong tổng nguồn vốn cũng như trong tổng quy mô chung để thấy được chính sách tài chính của doanh nghiệp, mức độ mạo hiểm tài chính thông qua chính sách đó còn cho thấy được khả năng tự chủ hay phụ thuộc về tài chính của doanh nghiệp.
- So sánh sự biến động tỷ trọng từng loại tài sản và nguồn vốn.
Kết luận
Việt Nam có quy mô thị trường tương đối lớn với dân số hơn 98 triệu người và tuổi thọ xấp xỉ 76 tuổi. Khoảng 30% dân số Việt Nam có thể mua thuốc tây tương đối đắt tiền và con số này đang tăng lên. Theo thống kê, ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng cao nhất trong khu vực nhờ tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng và dân số già. Một động lực khác của ngành Dược là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam ở mức 37% vào năm 2020 và vào năm 2021, dân số thành thị ở mức xấp xỉ 36,6 triệu người. Hệ thống sản xuất kinh doanh dược phẩm ngày càng mở rộng với khoảng 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 43.000 đại lý bán buôn, hơn 62.000 đại lý bán lẻ. Các công ty dược phẩm lớn tại Việt Nam tập trung tại và xung quanh thủ đô Hà Nội, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ bao gồm Cần Thơ và Đồng Tháp. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn như Dược Hậu Giang, Bidiphar, Imexpharm, Pymepharco đã và đang đầu tư nâng cấp nhà máy, nhằm đột phá phát triển các sản phẩm dược mới trong nước cũng như nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn Chế độ kế toán DN;
- Đặng Thị Loan (2012), Kế toán tài chính trong các DN, NXB. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội;
- Nguyễn Năng Phúc (2011), Giáo trình phân tích BCTC, NXB. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội;
- Nguyễn Văn Công (2009), Giáo trình Phân tích Kinh doanh, NXB. Đại học Kinh tế Quốc dân.